Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương

(NTO) Để đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết 30C/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình kế hoạch cải cách hành chính của UBND tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, cần tiếp tục nghiên cứu và đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước (QLNN) giữa các cấp chính quyền địa phương (tỉnh-huyện-xã).

Phân cấp QLNN giữa các cấp chính quyền địa phương nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trên cơ sở phân định rõ, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN phục vụ tốt hơn nhu cầu và lợi ích của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Thực hiện phân cấp QLNN cần phải tuân thủ một số nguyên tắc để mang lại hiệu quả cao, đó là:

1. Tuân thủ nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ những nhiệm vụ QLNN của các sở, ngành với nhiệm vụ QLNN của các cấp chính quyền địa phương đối với hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn.

2. Phân cấp phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn, đặc thù của ngành, lĩnh vực, điều kiện và khả năng phát triển của từng địa bàn; với từng loại hình đô thị, nông thôn, với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

3. Bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và công dân thì giao cho cấp đó thực hiện; phân cấp phải rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp.

4. Phải bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm với nguồn lực tài chính, tổ chức, nhân sự và các điều kiện cần thiết khác; phải đồng bộ, ăn khớp giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan.

5. Bảo đảm quyền và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND các cấp trong việc quyết định, thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đồng thời phát huy dân chủ rộng rãi để nhân dân tham gia QLNN.

6. Phân cấp phải thể hiện được sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật gắn với đổi mới cơ chế và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị cơ sở

7. Đối với những vấn đề đã được phân cấp, chính quyền cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện; các sở, ngành cấp tỉnh có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc trái với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực thì xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND tỉnh xem xét.

Trong công cuộc đổi mới của đất nước, sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế tạo ra những tiền đề và đòi hỏi phải đổi mới, tăng cường phân cấp QLNN giữa các cấp chính quyền địa phương, nhằm phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.