Giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường, cần một cách làm mới

Công tác hướng nghiệp có vai trò giúp HS có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, lựa chọn con đường lập nghiệp sau khi học xong phổ thông phù hợp với sở trường, nguyện vọng bản thân và nhu cầu xã hội. Thời gian qua, tình trạng thừa thầy thiếu thợ, mất cân đối trong cán cân nhân lực xã hội, tình trạng đào tạo tràn lan mà sinh viên ra trường không có việc làm gây nhiều hệ luỵ cho thấy khâu hướng nghiệp trong nhà trường chưa hoàn thành sứ mệnh.

Hiện nay, cái đích mà hầu hết HS lựa chọn sau khi tốt nghiệp THPT là các trường ĐH, CĐ. Năm học 2009-2010, có 43.090 HS tốt nghiệp THPT, có 88.999 hồ sơ đăng kí thi ĐH, CĐ, trung bình mỗi HS nộp 2,06 bộ hồ sơ. Với độ “mở” khá “thoáng” của các trường ĐH-CĐ hiện nay, hầu như HS học lực trung bình khá đã có cơ hội vào ĐH. Điều đáng nói là một bộ phận HS không đậu vào các trường ĐH,CĐ lại tiếp tục đăng kí vào học các lớp trung cấp liên thông, rồi ĐH tại chức…chứ không đi học nghề, đi làm.

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã ban hành chính sách khuyến khích HS học nghề, hướng nghiệp. HS lớp 9 được học nội dung hướng nghiệp trong hoạt động ngoài giờ lên lớp, mỗi tháng một chuyên đề, tổng cộng 27 tiết. HS THPT được học 81 tiết hướng nghiệp trong 3 năm theo tài liệu hướng dẫn của Bộ. Tuy nhiên, Công tác giáo dục hướng nghiệp hiện nay chưa được các nhà trường quan tâm đúng mức, vẫn đang bị xem là một khâu có tính chất “tích hợp”, một việc làm kết hợp chứ chưa phải là nhiệm vụ trọng tâm, một yêu cầu bức thiết nên hiệu quả chưa cao. Do nhiều nguyên nhân, hầu hết HS lớp 9 đều học lên THPT. Năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 5.000 HS tốt nghiệp THCS không học lên THPT mà đăng kí học nghề và THCN. Một số trường (chủ yếu ở TP Vinh) đã liên kết với Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp để mời các giáo viên của trung tâm về dạy nhưng chưa được nhiều. Còn lại hầu như các trường giao nhiệm vụ dạy hướng nghiệp cho giáo viên chủ nhiệm hoặc tích hợp vào môn Công nghệ. Các giáo viên không phải là chuyên gia về nghề, nên việc hướng nghiệp chủ yếu là lí thuyết, phương pháp chưa hấp dẫn, nên ít có tác dụng. Chương trình tư vấn hướng nghiệp chỉ được tổ chức trước thời điểm đăng kí nộp hồ sơ một thời gian ngắn, khiến không ít HS bỡ ngỡ. Em Hoàng Minh Đức, lớp 12C5 trường THPT Cửa Lò cho biết: “Bọn em chọn nghề thường theo thông tin từ thực tế, báo chí. Thấy ngành nghề nào dễ xin việc, có thu nhập cao thì đăng kí. Một số bạn chọn ngành nghề theo truyền thống gia đình. Lớp em có mấy bạn bố mẹ là bác sỹ nên thi vào nghề y, có bạn lại nộp hồ sơ vào trường sư phạm để nối nghiệp nhà giáo của mẹ. Em thì thấy nghề báo chí được đi đây đi đó nhiều nên sẽ thi vào trường báo chí…”. Khi được hỏi về đặc thù của nghề báo, yêu cầu đối với phóng viên, nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan báo chí…thì Đức cười hồn nhiên “em chưa biết”.

Thầy Nguyễn Cảnh Hùng, Trường THPT Tân Kỳ cho biết: “Các điều kiện cần của công tác hướng nghiệp bao gồm đội ngũ người làm hướng nghiệp, thông tin hướng nghiệp và tính liên kết trong hoạt động hướng nghiệp hiện nay đều còn thiếu và yếu. Các nhà trường chưa có đội ngũ làm hướng nghiệp đạt yêu cầu, nếu không nói là rất yếu, thông tin về nhu cầu nhân lực các ngành nghề của địa phương chưa về đến nhà trường và chưa có tính liên kết trong hoạt động hướng nghiệp”. Hiện nay, tất cả các nhà trường trong tỉnh đều chưa mời các chuyên gia của một số ngành nghề phổ biến đến nói chuyện với HS, hay chưa tổ chức cho HS đi tham quan nhà máy, xí nghiệp, tìm hiểu thực tế sản xuất, tác nghiệp của một số ngành nghề, ngay cả những trường gần các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp như TP Vinh, TX Cửa Lò, Hoàng Mai, TX Thái Hoà... Một số giáo viên lại hướng nghiệp theo kiểu “tô hồng”, nghĩa là chỉ nhấn mạnh đến mặt tích cực, cái hay của ngành nghề mà chưa chú trọng đến những yêu cầu khắt khe của từng ngành, khó khăn của mỗi nghề…

Hiện nay, những HS giỏi thường có xu hướng chọn những ngành học có tương lai dễ chịu như tài chính, kế toán, ngân hàng, y dược, ngoại giao… mà ít lựa chọn các ngành kĩ thuật, địa chất, nông nghiệp… Ngành sư phạm, vốn được xem là “nghề cao quý”, song sức hấp dẫn ngày càng giảm sút. Năm học 2009-2010, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có hơn 600 HS khối 12, nhưng chỉ có duy nhất 1 hồ sơ thi vào trường sư phạm. Số lượng hồ sơ khối A, D chiếm tỷ lệ rất cao, HS rất ít lựa chọn khối C. Số hồ sơ khối C của nhiều trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các ngành học như Hán Nôm, Việt Nam học… của nhiều trường ĐH không đủ số lượng thí sinh đăng kí. Với xu hướng này, trong thời gian không xa, ngành khoa học xã hội và ngành sư phạm sẽ thiếu hụt nhân lực có chất lượng.

Để công tác đào tạo nhân lực đi đúng hướng, có tác động tích cực đến nền kinh - xã hội thì cần đổi mới cả hệ thống giáo dục. Trong đó, giáo dục hướng nghiệp cần được đầu tư mạnh mẽ về nhân lực, kinh phí, đổi mới cả về nội dung và phương pháp để nó thực sự hoàn thành sứ mệnh quan trọng của mình.

Nguồn vanhoanghean.com.vn