Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy

(NTO) Ngày 23-3, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn chỉ thị này.

Trong thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tuy đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác PCCC, nhưng tình hình cháy vẫn còn phổ biến khá phức tạp (đầu năm 2012 liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy lớn, gây thiệt hại 12,6 tỷ đồng), đã để xảy ra các vụ cháy ở các cơ sở sản xuất, nhà dân, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, trật tự an toàn xã hội và môi trường đầu tư;

Tuy còn nhiều nguyên nhân xảy ra cháy, nhưng chủ yếu là do việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác PCCC ở nhiều nơi chưa tốt, nhiều cấp, ngành, đơn vị cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của một số bộ phận cán bộ, nhân dân, các chủ doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp còn chưa cao.

Để tăng cường các biện pháp PCCC, đồng thời thực hiện tốt Luật PCCC và Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH); Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện tốt một số nội dung sau:

1/ Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có kế hoạch tổ chức tuyên truyền sâu rộng về công tác PCCC, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền về nguy cơ cháy, nổ và hướng dẫn cụ thể các biện pháp PCCC trong sinh hoạt, đặc biệt là biện pháp phòng cháy trong sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, trong thắp hương thờ cúng. Nhắc nhở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ chấp hành nghiêm các quy định về PCCC, tổ chức tốt việc thường trực, tuần tra canh gác, nhất là vào ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc. Tổ chức cho các hộ kinh doanh tại chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư và các cơ sở khác có nguy hiểm về cháy, nổ ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC;

Người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc để xảy ra cháy nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý tại đơn vị, địa phương.

2/ Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí tại địa phương có kế hoạch thường xuyên tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH tới các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, đơn vị, các cơ sở kinh tế, quốc phòng và toàn thể nhân dân, cán bộ, công nhân viên và người lao động để tự nguyện thực hiện tốt các quy định về PCCC.

3/ Công an tỉnh

- Tăng cường chỉ đạo nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về công tác PCCC;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn về PCCC đối với các sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt đối với khu, cụm công nghiệp, các chợ (kể cả những chợ do cấp huyện, cấp xã quản lý), các khu dân cư tập trung có nhiều nhà làm bằng vật liệu dễ cháy, các điểm tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí trong nhà thường tập trung đông người, các kho hàng, các cơ sở sản xuất có nhiều nguyên vật liệu, vật tư, hàng hóa là dễ cháy, nổ. Trong quá trình kiểm tra, cần đặc biệt chú ý tới các biện pháp quản lý chặt chẽ chất cháy, đề ra các giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan trên diện tích rộng lớn, các biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt nhất là hệ thống điện và sử dụng các thiết bị điện; kiểm tra việc tổ chức, tình trạng hoạt động của lực lượng và phương tiện PCCC của lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các vi phạm quy định về PCCC. Chủ động các biện pháp phòng ngừa không để xảy ra những vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng;

- Tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại một số cơ sở trọng điểm có nguy hiểm về cháy, nổ như cơ sở sản xuất ở các khu công nghiệp và khu dân cư…;

- Rà soát, bổ sung các phương án chữa cháy tại các cơ sở trọng điểm, phương án xử lý sự cố cháy nổ lớn có huy động nhiều lực lượng tham gia, phương án PCCC tham gia chống khủng bố, biểu tình, gây rối và các phương án chữa cháy chợ;

- Tổ chức tốt công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng cảnh sát PCCC cả về lực lượng và phương tiện để kịp thời tổ chức cứu chữa các vụ cháy xảy ra và khi có yêu cầu phải chi viện cho địa phương khác. Kiểm tra lại toàn bộ các loại phương tiện hiện có để kịp thời đề xuất việc sửa chữa, bảo dưỡng để hoạt động được thường xuyên đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

4/ Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất các chủ đầu tư, đơn vị trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sau khi đưa công trình vào sử dụng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng; tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở theo quy định; kiểm tra kỹ nội dung về PCCC theo đúng quy định của pháp luật khi xem xét, cấp giấy phép xây dựng.

5/ Các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp vời Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu, đề xuất bố trí ngân sách đảm bảo cho các hoạt động PCCC theo quy định của pháp luật.

Căn cứ nội dung chỉ thị này, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp tình hình thực tế từng đơn vị, địa phương, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh để tổng hợp). Giao Công an tỉnh giúp UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương, cơ sở thực hiện nghiêm túc theo nội dung Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả về UBND tỉnh theo quy định.