Phan Rang - Tháp Chàm: Thành phố trẻ năng động

Năm 2007, Phan Rang-Tháp Chàm chính thức được công nhận là thành phố loại 3 thuộc tỉnh. Sau 5 năm trở thành thành phố, phát huy lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả tỉnh, Phan Rang-Tháp Chàm đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ, tạo dấu ấn về một đô thị trẻ năng động.

(NTO) Trong những ngày Tháng Tư lịch sử này, đi trên những tuyến phố rực rỡ cờ hoa, chúng tôi cảm nhận được khí thế mới của Tp.Phan Rang-Tháp Chàm vừa tròn 5 tuổi. Để thành phố trẻ có dáng vẻ hiện đại và thân thiện hôm nay, chính được bắt đầu từ những chủ trương, chính sách đầu tư đúng hướng của Trung ương, của tỉnh và tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân thành phố. 

Đồng chí Dương Ái Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm, người đã chứng kiến từng bước chuyển mình của thành phố trong suốt thời gian qua không khỏi xúc động nhớ lại: “Ngày đầu tái lập tỉnh, Phan Rang-Tháp Chàm chỉ là một thị xã nhỏ với cơ sở hạ tầng thấp kém. Sau 20 năm nhìn lại, thành phố đã có một vị thế mới với hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển. Đây là nền tảng thúc đẩy thành phố vươn lên đạt chuẩn đô thị loại 2 vào năm 2015 và xa hơn nữa là thành phố hiện đại, hài hòa”.

 
 Đô thị Phan Rang-Tháp Chàm phát triển vươn về phía biển. Ảnh: Văn Miên

Sự bề thế, hiện đại của thành phố được minh chứng bằng sự hiện diện của nhiều công trình phúc lợi dân sinh như: Quảng trường 16 Tháng 4, với cụm công trình Quảng trường-Tượng đài- Nhà Bảo tàng, được xây dựng trên diện tích hàng chục ha, với kiến trúc văn hóa đặc trưng của Ninh Thuận. Đây không chỉ là nơi diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh, thành phố, mà còn là điểm vui chơi, giải trí của nhân dân. Kế tiếp đó tuyến đường đôi 16 Tháng 4, được ví là “xa lộ”, nối trung tâm thành phố với khu đô thị biển. Nhiều tuyến đường mới khác được xây dựng hiện đại như Yên Ninh, Ngô Gia Tự, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Văn Cừ-Nguyễn Thị Minh Khai… đã tạo thế bàn cờ trong thành phố và nối kết với các địa phương khác. Còn nữa, 2 hồ điều hòa được xây dựng ở phường Tấn Tài và Mỹ Bình cùng với hệ thống công viên cây xanh phát triển đều khắp, không chỉ làm cho thành phố thêm đẹp hơn mà còn là giải pháp bền vững cải thiện môi trường sống đô thị- nơi được coi là khô hạn nhất nước này.

 
Khu vực Quảng trường 16 Tháng 4, tượng đài, nhà bảo tàng được xây dựng
với kiến trúc văn hóa đặc trưng của Ninh Thuận.    Ảnh: V.Miên 

Hiện nay, thành phố đang thực hiện quy hoạch phát triển thành phố cả về 3 hướng phía Đông-Đông Bắc, phía Tây và vùng ven biển, rõ nhất là khu đô thị phía Đông. Với chủ trương này, thành phố đã biến vùng đất ven biển bị nhiễm mặn, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả ở các phường Văn Hải, Mỹ Bình, Mỹ Hải…thành “tấc đất tấc vàng”. Điển hình nhất là phường Mỹ Bình, mới được thành lập từ năm 2008, trên cơ sở sát nhập một phần địa giới hành chính của các phường Văn Hải và Mỹ Hải. Từ một địa phương người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, nay phường trở thành khu đô thị mới của thành phố với nhiều dự án lớn, đã và đang triển khai như: khu dân cư K1, K2, khu dân cư trục D7-D10, khu dân cư Bình Sơn, Công viên Biển,... Đồng chí Phan Trọng Trác, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Bình cho biết: “ Hiện nay, trên địa bàn phường được đầu tư xây dựng nhiều dự án lớn vì vậy đã tác động mạnh làm chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp là mũi nhọn sang công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ. Tính riêng trong năm 2011, hai ngành này chiếm 73,4% cơ cấu nền kinh tế, nhờ vậy đời sống người dân trong phường được nâng lên”.

 

Đường vào trung tâm TP. Phan Rang- Tháp Chàm được đầu tư xây dựng hiện đại
Ảnh: Sơn Ngọc

Chính lợi thế về hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày càng được đầu tư hoàn thiện: hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, cây xanh đô thị, điện chiếu sáng, viễn thông… đã thúc đẩy các mặt kinh tế- xã hội phát triển toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố 5 năm trở lại đây luôn ở mức 2 con số, riêng năm 2011 là 15,1%, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.000 USD/năm.

Để có được thành quả đáng ghi nhận trên, thời gian qua, Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế đô thị, trong đó phát huy thế mạnh ngành thương mại-dịch vụ. Với chính sách đầu tư thông thoáng của tỉnh và đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của thành phố đã thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến địa phương kinh doanh, sản xuất, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, hệ thống thương mại-dịch vụ được phát triển rộng khắp, đã hình thành được các khu thương mại, chợ và các khu mua sắm… Đến nay, thành phố đã có 1 siêu thị, 15 chợ, hàng chục shop và rất nhiều các kênh phân phối lớn trong phạm vi cả nước.

 
Chợ Phan Rang được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu thương mại của nhân dân. Ảnh: V.Miên

Toàn thành phố có trên 7.100 doanh nghiệp, hộ được cấp giấy phép kinh doanh, với tổng số vốn lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Với việc đa dạng hóa các hình thức trong kinh doanh, phương thức phục vụ tiện ích, hiện đại và cạnh tranh cao đã tạo nhiều sự lựa chọn cho người dân và mở rộng giao lưu hàng hóa giữa các vùng trong tỉnh. Thành phố đang khai thác lợi thế biển để phát triển mạnh ngành du lịch gắn du lịch biển, du lịch văn hóa với du lịch mua sắm. Cùng với việc khai thác hiệu quả các khu du lịch đã được đầu tư, nhiều dự án lớn đang được thi công như: khu Đô thị Biển Bình Sơn, Công viên Biển Bình Sơn, Nhà hát San hô… khi các công trình này hoàn thành sẽ là điểm nhấn thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn. Ngành thương mại-dịch vụ đang khẳng định vai trò đòn bẩy của nền kinh tế thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm sau cao hơn năm trước, nếu như năm 2006 là 1.735 tỷ đồng thì đến năm 2011 gần 5.600 tỷ đồng và 2 tháng đầu năm nay là 1.145 tỷ đồng. Trong năm 2011, ngành thương mại-dịch vụ chiếm 59,3% cơ cấu nền kinh tế.  

 
Công ty May Tiến Thuận tạo việc làm cho lao động có thu nhập ổn định góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Ảnh: Văn Miên

 
 
Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản giải quyết việc làm cho 2.000 lao động thu nhập
bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, Công ty phấn đấu xuất khẩu đạt  50 triệu USD.
Ảnh: Văn Miên

Ngành công nghiệp-xây dựng đang phát triển mạnh. Hiện thành phố có 2 cụm công nghiệp Tháp Chàm và Thành Hải, thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Rất nhiều doanh nghiệp đang mở rộng quy mô, năng lực sản xuất, nhiều dự án, công trình lớn đang khởi công xây dựng vì vậy đã góp phần thúc đẩy năng lực sản xuất của lĩnh vực này tăng lên. Năm 2006, giá trị sản xuất ngành công nghiệp-xây dựng của thành phố là 1.028 tỷ đồng, thì đến năm 2011 là 11.834 tỷ đồng, trong 2 tháng đầu năm nay là 179, 6 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp- thủy sản phát triển nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, đảm bảo chất lượng sản phẩm sạch-an toàn. Ngành thủy sản phát triển theo hướng khai thác xa bờ gắn với chế biến và các dịch vụ hậu cần nghề cá.


 Công ty TNHH Thông Thuận chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh : Thanh Long
 

Cảng cá Đông Hải được đầu tư mở rộng đáp ứng năng lực phát triển tàu thuyền của ngư dân vươn ra đánh bắt khơi xa.
Ảnh: Duy Anh
 

Ngày 8-12-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về “Xây dựng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2015, định hướng phát triển đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Để thực hiện nhiệm vụ trên, hiện thành phố đang khai thác tiềm năng thế mạnh và lợi thế của mình để đầu tư và phát triển đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Đầu tư có trọng điểm để mở rộng không gian đô thị theo hướng kết nối với thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải); trong đó tập trung các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh chỉnh trang đô thị để phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại 2. Tổng nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 của thành phố từ 11.000-12.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 4.000-5.000 tỷ đồng, còn lại là các thành phần kinh tế khác.

 
 
Khu đô thị du lịch biển Bình Sơn đang được xây dựng với tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng,
phục vụ đa dạng các loại hình thương mại - du lịch - nghỉ dưỡng.
Trong ảnh: Mô hình khu đô thị du lịch. Ảnh: C.T.V

Đồng chí Dương Ái Quân cho biết: “Để thực hiện thành công NQ 06 của Tỉnh ủy, tỉnh đã giao cho thành phố thực hiện nhiều cơ chế chính sách huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đây là thuận lợi lớn để Phan Rang-Tháp Chàm thực hiện đúng lộ trình đạt chuẩn đô thị loại 2 vào năm 2015 và trở thành đô thị hiện đại, thân thiện trong tương lai”.