Công tác tư tưởng 20 năm nhìn lại

(NTO) Ngày 1-4-1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập. Với xuất phát điểm nền kinh tế thấp, thuần nông, công nghiệp còn ít, kết cấu hạ tầng thấp kém, nhất là về giao thông, cấp điện, nước và các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng; chuyển dịch kinh tế của tỉnh còn chậm, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Bộ máy tổ chức, cán bộ và hệ thống chính trị mới được hình thành... Do vậy, công tác tư tưởng của Đảng bộ đặt ra nhiều vấn đề cấp bách để nhằm ổn định chính trị, kinh tế tiếp tục phát triển, bộ máy trong hệ thống chính trị hoạt động có hiệu quả, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện và chăm lo các đối tượng chính sách, người có công với nước...

Các đồng chí : Trương Xuân Thìn, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy
tặng hoa cho các thí sinh tham dự Hội thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tháng 6- 2008.
Ảnh: Sơn Ngọc
 
Đồng chí Phan Đình Hòa
Ủy viên Ban Thường vụ,
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Trải qua 20 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, công tác tư tưởng của Đảng đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng, trong đó ngành Tuyên giáo luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng- đó là công việc của toàn Đảng bộ. Ngay từ khi tái lập tỉnh, Đảng bộ không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo công tác Tuyên giáo, mà còn thể hiện quyết tâm chính trị cao, xây dựng phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt và yêu cầu nhiệm vụ của một tỉnh mới, đòi hỏi cần phải nhanh chóng có một bộ máy lãnh đạo và quản lý điều hành vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở, có khả năng đề ra những quyết sách nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong những năm tới.

Nhìn lại chặng đường vẻ vang 20 năm qua, đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo của Đảng bộ phấn khởi và tự hào vì ở bất cứ giai đoạn nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân giao phó. Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, IX, X, XI và XII đều triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Nền kinh tế của tỉnh đã có bước tiến bộ rõ nét, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từ “5 cây, 3 con” chuyển sang công nghiệp-xây dựng, thương mại- dịch vụ, nông nghiệp và đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế đạt khá với mức tăng bình quân 8,4%/năm, trong đó giai đoạn 1992 - 1995 đạt 8,8%/năm, đến năm 2011 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,6%/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 20,5%/năm. Năm 1992 đạt 33,3 tỷ đồng, đến năm 2011 đạt 1.156 tỷ đồng, đây là năm đầu tiên tỉnh thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra (123,6%/ dự toán năm). Tổng chi ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 23,1%/ năm, trong đó chi đầu tư phát triển 12,5,%/ năm và chi thường xuyên tăng 22,9%. GDP bình quân đầu người tăng 13,9%/năm; năm 1992 đạt 1,4 triệu đồng, đến năm 2011 đạt 16,3 triệu đồng. Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách tăng bình quân 4,2%/năm; huy động nguồn vốn địa phương tăng bình quân 33,9%/năm.

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các dân tộc trong tỉnh chăm lo sự nghiệp giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao ngày càng được chú trọng; giải quyết tốt về an sinh xã hội, việc làm; chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công với nước có nhiều tiến bộ; hoạt động các tôn giáo đảm bảo theo pháp luật; quốc phòng- an ninh được củng cố, tăng cường và giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, nhất là qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân ở các địa phương, các ngành, các đơn vị.

 

Các cá nhân tiêu biểu thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ
giao lưu với các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ, tháng 11-2009 

Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đạt được trong 20 năm qua là to lớn và có ý nghĩa quan trọng, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của tỉnh, tạo ra niềm tin mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực tiễn đổi mới đã chỉ ra rằng, sức mạnh của đổi mới, trước hết và có giá trị chỉ đạo hoạt động thực tiễn là đổi mới tư duy. Công tác Tuyên giáo trong thời kỳ này đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới tư duy, đồng thời động viên tinh thần, ý chí kiên cường, sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp còn nhiều thách thức ở phía trước, nhất là khi diễn ra các biến cố to lớn như cơn “chấn động chính trị” thế giới, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đỗ vào năm 1989 – 1991, cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực những năm 1997 – 1998; và gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới những năm 2008 -2009 cho đến nay đã tác động không nhỏ đến tình hình ở trong nước và tỉnh ta. Mặc dù 20 năm qua đã đạt những thành tựu quan trọng , nhưng vẫn còn một số mặt hạn chế, yếu kém, đó là: Nền kinh tế phát triển khá toàn diện qua các thời kỳ nhưng chưa thật vững chắc; chưa khai thác hết hiệu quả ngành kinh tế mũi nhọn và những lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, nhất là lợi thế kinh tế biển chưa được phát huy; chưa có sự đột phá trong công nghiệp để tạo ra động lực thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy Đảng còn hạn chế; vai trò lãnh đạo của một số tổ chức cơ sở Đảng chưa được phát huy hiệu quả; hoạt động kiểm tra, giám sát ở cơ sở còn lúng túng.Trước những thách thức cực kỳ gay gắt đó, công tác Tuyên giáo đã nỗ lực hết sức mình, hoạt động không mệt mỏi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý để tiếp tục thực hiện tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 theo Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm “xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai” dựa trên 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh. Với mục tiêu phát triển 6 nhóm ngành này đến năm 2020 sẽ đóng góp 91% GDP của tỉnh, giải quyết 85% lao động xã hội.

Có thể nói, đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo của tỉnh khá đông, đó không chỉ là cán bộ chuyên trách làm công tác Tuyên giáo, mà bao gồm các binh chủng trong ngành Tuyên giáo, các lĩnh vực, không chuyên trách, các cán bộ về hưu... đã góp sức làm sống động công tác tư tưởng của Đảng. Bởi phần lớn họ nói và viết những vấn đề sát với cuộc sống, những điều họ tin là đúng đắn và gợi mở những vấn đề đang đặt ra để cùng suy nghĩ một cách xây dựng. Lãnh đạo tỉnh biết phát huy lực lượng hùng hậu này, cung cấp những nguồn thông tin tham khảo cần thiết và sẽ có những người làm công tác tư tưởng không kém phần sắc bén. Công tác tư tưởng của Đảng trong 20 năm qua đã gắn với việc triển khai thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, của Nhà nước đóng góp tích cực cho sự phát triển đi lên của tỉnh. Nhiều hoạt động, năng động, sáng tạo từ cơ sở, nhiều điển hình được nhân lên và nhanh chóng tạo nên sự lan tỏa.

 

Đồng chí Phan Đình Hòa, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo” cho các đồng chí có công lao đóng góp
sự nghiệp Tuyên giáo.    Ảnh: Văn Miên

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong những năm tới, công tác Tuyên giáo phải đổi mới toàn diện, mạnh mẽ về nội dung và phương thức, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả cụ thể, góp phần làm cho mặt tích cực, cái mới, cái tiến bộ trở thành xu hướng chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội, nêu cao khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân; phát huy tinh thần đại đoàn kết, sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận lớn trong xã hội, thể hiện quyết tâm chính trị thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị TW4, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục cải tiến, nâng cao việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống, tạo ra nhiều niềm tin mới, khí thế mới, quyết tâm mới.