Ninh Phước: Đột phá mới trong nông nghiệp nông thôn

(NTO) Với diện tích đất canh tác nông nghiệp hàng năm gần 26.000ha, huyện Ninh Phước đã tập trung khai thác tiềm năng lợi thế, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ngày càng tăng về quy mô, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường.Nhìn lại nền sản xuất nông nghiệp của huyện hơn 20 năm qua, có thể khẳng định: nông nghiệp, nông thôn Ninh Phước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Hồ Tân Giang được nhà nước đầu tư xây dựng có sức chứa trên 13 triệu mét khối nước
phục vụ tưới cho  3.000 ha đất canh tác ở hai huyện Ninh Phước và Thuận Nam.  Ảnh: V.Miên

Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: “Năm 1982, khi mới vừa tái lập huyện, xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, trình độ sản xuất lạc hậu, quy mô sản xuất các ngành nhỏ lẻ, rải rác; cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa được đầu tư đảm bảo phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Song, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện qua các thời kỳ, cán bộ và nhân dân huyện Ninh Phước đã kế thừa truyền thống anh hùng cách mạng, ra sức khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong từng thời kỳ. Nổi lên là hoàn thành việc cải tạo và xây dựng nền sản xuất mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương; cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề chuyển dịch đúng hướng, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng và sản xuất giống đáp ứng nhu cầu của thị trường; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phục vụ nhu cầu sản xuất và dân sinh, mở ra nhiều triển vọng mới cho nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện”.

 

Nông dân Ninh Phước ứng dụng cơ giới nông nghiệp vào đồng ruộng nâng cao chất lượng nông sản,
giảm thất thoát sau thu hoạch.  Ảnh Sơn Ngọc

 

Cây nho đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp nông dân Ninh Phước đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Trong ảnh: Sản phẩm nho sạch Ba Mọi ở xã Phước Thuận được thị trường tiêu dùng ưa chuộng.
Ảnh: Minh Quốc

Như lời đồng chí Chủ tịch UBND huyện đánh giá, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn Ninh Phước có bước đột phá đáng kể. Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, huyện đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn. Về thủy lợi, đã phát huy hiệu quả tưới hồ Tân Giang, hồ CK7; xây mới hồ Bàu Ngứ, Bàu Zôn, hồ Núi Một, sông Biêu, Lanh Ra, Tà Ranh và một số trạm bơm; kiên cố hóa 59 tuyến kênh mương cấp 3, với chiều dài 53,8km phát huy sức tưới từ 1 vụ lên 2 vụ cho trên 6.000ha diện tích gieo trồng hàng năm. Hệ thống giao thông nông thôn đầu tư có trọng điểm. Đến nay, đã bê-tông hóa 67 tuyến giao thông nông thôn với chiều dài 36km; đường vào làng nghề, khu sản xuất được nâng cấp, cải tạo, khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng trung bình 61,9%/năm.

Công trình thủy lợi Lanh Ra đang được đầu xây dựng ở xã Phước Vinh mở rộng diện tích đất canh tác
chủ động tưới trên địa bàn huyện Ninh Phước. Ảnh Sơn Ngọc

 

Đường bê tông nông thôn ở xã Phước Thuận được nhà nước và nhân dân chung tay xây dựng phục vụ tốt
nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản hàng hóa của nhân dân địa phương, Ninh Phước. Ảnh Văn Miên

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo các mô hình tiên tiến, huyện đã phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh, hỗ trợ vốn cho nông dân, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Điển hình là nông dân xã Phước Hậu đã thực hiện mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” gắn với chương trình thực nghiệm tiết kiệm nước tưới trong sản xuất, quản lý sâu bệnh theo khoa học, hiệu quả kinh tế cho lãi gấp 2,5 lần so với ruộng đối chứng. Nhờ đó, trong vòng mười năm trở lại đây, trên vùng trọng điểm lúa Phước Hậu không còn tình trạng sản xuất “da beo”, nông dân tuân thủ lịch thời vụ, tranh thủ cày ải, cày dầm, cải tạo đất, tránh được sâu rầy, dịch bệnh.

Sản xuất giống trong nông nghiệp cũng được huyện Ninh Phước tập trung nhân rộng theo mô hình liên kết “4 nhà”. Toàn huyện đã hình thành vùng chuyên canh lúa giống ở các xã Phước Hậu, Phước Thuận, Phước Hữu và thị trấn Phước Dân; vùng chuyên canh giống bắp lai tại Phước Sơn và Phước Vinh; thực hiện cơ chế thông thoáng kêu gọi thương nhân, doanh nghiệp liên kết với nông dân, đầu tư sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Cùng với sản xuất giống, hiện nay nhiều mô hình mới đã xuất hiện như trồng rau sạch ở An Hải, trồng ổi Thái Lan ở Phước Dân, trồng táo ở Phước Thuận bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, thương hiệu nho sạch Ba Mọi tiếp tục đứng vững trên thị trường. Trên cơ sở đó, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả vùng phía Tây quốc lộ 1A; rau, đậu sạch An Hải, Phước Hải, Phước Thuận và Phước Sơn; xây dựng và phát triển thương hiệu Nho tươi và rượu vang Ninh Phước.

 

 
 
Nông dân huyện Ninh Phước đoàn kết chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới.
Trong ảnh bộ mặt nông thôn mới khởi sắc ở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước. Ảnh Văn Miên

Xác định vai trò của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước (nhiệm kỳ 2011-2015) đã đề ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, xây dựng thương hiệu một số nông sản chính và tập trung xây dựng nông thôn mới... Với những đột phá về nông nghiệp, nông thôn có được, tin rằng, Đảng bộ và nhân dân Ninh Phước sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, góp phần cùng các địa phương đưa tỉnh ta phát triển giàu mạnh.