Những thành tựu kinh tế-xã hội nổi bật sau 20 năm tái lập tỉnh và định hướng phát triển thời gian tới

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 37 năm giải phóng Ninh Thuận, đồng chí Nguyễn Chí Dũng - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có bài viết cho Báo Ninh Thuận với tựa đề: " Những thành tựu kinh tế- xã hội nổi bật sau 20 năm tái lập tỉnh và định hướng phát triển thời gian tới". Báo điện tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết quan trọng này.

Những thành tựu nổi bật sau 20 năm tái lập tỉnh

(NTO) 20 năm trước, kỳ họp thứ 10-Quốc hội khóa VIII đã ra nghị quyết tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Ngày 01-4-1992 tỉnh Ninh Thuận trở lại với tên cũ từ trước 1975 và chính thức đi vào hoạt động trong bối cảnh công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo sau 5 năm thu được thành tựu to lớn, thiết lập các yếu tố quan trọng của cơ chế kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, đã khơi dậy nhiều tiềm năng, nguồn lực của xã hội vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, như bao địa phương mới tái lập, Ninh Thuận sở hữu một hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật quá nghèo nàn và lạc hậu; cơ sở vật chất vừa thiếu thốn vừa xuống cấp trầm trọng, điểm xuất phát kinh tế - xã hội thấp, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, bão lũ, hạn hán luôn xảy ra; tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp vừa thiếu, vừa yếu; đời sống đại bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn.

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Ý thức sâu sắc về những thách thức cũng như thời cơ của một tỉnh mới, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đồng cam, cộng khổ, từng bước tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, ổn định các hoạt động; tích cực tìm tòi, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và tranh thủ mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, các tỉnh bạn nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển. Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, 20 năm qua, kinh tế-xã hội của tỉnh đã đạt được kết quả quan trọng và khá toàn diện.

Qua từng giai đoạn, nền kinh tế có bước phát triển mạnh mẽ. Tổng sản phẩm nội tỉnh liên tục tăng qua các thời kỳ: 1992-2000 bình quân tăng 8,26%/năm; thời kỳ 2000-2011, tăng bình quân 9,3%/ năm; quy mô giá trị GDP tăng từ 718,7 tỷ đồng năm 1992 lên 3.337 tỷ đồng vào năm 2011 (gấp 4,64 lần, bình quân 8,4% /năm). GDP bình quân đầu người từ 1,4 triệu đồng lên 16,3 triệu đồng (tăng 11,64 lần, bình quân 13,9%/năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Tỷ trọng khu vực nông lâm- thủy sản từ 54,8% xuống còn 43,1 %; Khu vực công nghiệp -xây dựng từ 15,8% năm 1992 lên 21,9 % và khu vực dịch vụ từ 29,4% năm 1992 lên 35% vào năm 2011. Thu ngân sách từ 33,3 tỷ đồng lên 1.156 tỷ đồng vào năm 2011 ( tăng 34 lần), tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách tăng từ 5,7% lên 12,4% . Chi ngân sách từ 55,5 tỷ đồng lên 2.895 tỷ đồng vào năm 2011, tăng bình quân 23,1%/năm. Kim ngạch xuất khẩu từ 1,7 triệu USD lên 71 triệu USD, tăng 41,76 lần. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 67,8 tỷ đồng lên 6.350 tỷ đồng vào năm 2011, tăng hơn 96 lần... 

 
Cụm công nghiệp Thành Hải thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất
 phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Ảnh: Văn Miên
 
 
Chế biến thủy sản xuất khẩu góp phần quan trọng nâng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhà
tăng 41,7 lần trong 20 năm qua. Ảnh: Văn Miên

 
 Ngành công nghiệp xây dựng đầu tư thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình công nghiệp,
dân dụng trên địa bàn tỉnh.

Bộ mặt đô thị, nông thôn đã có nhiều thay đổi nhanh chóng, khang trang và sạch đẹp hơn. Đến nay, đã hoàn thành các quy hoạch xây dựng phát triển các đô thị trong tỉnh; thị xã Phan Rang -Tháp Chàm được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh năm 2007 và đang hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2015; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm các xã, các tuyến đường liên huyện, liên xã đã được nhựa hóa, các tuyến đường liên thôn đã được bê tông hóa; tuyến đường Bình Tiên-Mũi Dinh-Cà Ná sắp hoàn thành đã và đang mở ra một diện mạo phát triển mới mang tính đột phá cho dãi ven biển; 100% số xã có lưới điện quốc gia và 98% dân số được dùng điện; cấp nước sạch cho nông thôn đạt 80 %; mạng lưới trường học, trạm y tế đã cơ bản phủ kín các địa bàn dân cư.

Trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm ngày nay.
 
 
Tuyến đường ven biển Bình Tiên- Cà Ná đang được hoàn thành phục vụ đắc lực
phát triển kinh tế - xã hội địa phương . Ảnh: V.Miên

 

Đường lên xã vùng cao Phước Bình được nhà nước đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu đi lại,
vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Ảnh: Văn Miên

 

Mạng lưới trường lớp được xây dựng hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh.
Trong ảnh: Trường THCS xã Phước Chiến được lầu hóa. Ảnh: Anh Tùng

 Với đặc điểm là tỉnh thuần nông, khí hậu khô hạn nhất của cả nước, 20 năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư và đưa vào sử dụng các hồ chứa nước lớn như Tân Giang, Sông Trâu, Sông Sắt và 10 hồ chứa nước vừa và nhỏ, với dung tích chứa 143 triệu m3, đầu tư hàng ngàn km kênh mương trong đó kênh chính, kênh cấp I, cấp II và cấp III từ 540 km lên 1.186 km, trong đó đã bê tông hóa là 580 km; đưa diện tích gieo trồng được tưới tăng gấp 2 lần, từ 30.000ha lên 63.000 ha; đầu tư hoàn thành các cảng cá Đông Hải, Cà Ná, Mỹ Tân, Ninh Chữ và hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực An Hải, Sơn Hải, Đầm Nại... đưa diện tích nuôi tôm lên 1.230 ha, sản lượng hàng năm trên 7.000 tấn. Số lượng cơ sở công nghiệp tăng lên từ 2.351 cơ sở lên 6.058 cơ sở; trong đó công nghiệp nhà nước 3 cơ sở; công nghiệp ngoài khu vực Nhà nước 6.050 cơ sở; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 5 cơ sở; giá trị sản xuất từ 138 tỷ đồng lên 1.704 tỷ đồng vào cuối năm 2011, tăng 11,35 lần, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 14,2%/ năm. Những năm gần đây, môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện rõ rệt, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh từ nhóm tương đối thấp năm 2007 đã bứt phá vào tốp khá vào năm 2011, hiện xếp thứ 46/63 tỉnh, thành. Đã huy động hàng chục ngàn tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trong đó có 17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn 5.473 tỷ đồng; qui mô đầu tư ngày càng lớn, lĩnh vực đầu tư đa dạng hơn, tập trung các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như năng lượng sạch, du lịch, sản xuất công nghiệp, thuỷ sản... 

Hồ Sông Sắt- công trình thủy lợi trọng điểm của huyện Bác Ái có sức chứa gần 70 triệu m3,
bảo đảm nước tưới cho trên 3.800 ha đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân đầu tư
chuyển dịch cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Miên

  

 Ngư dân đầu tư tàu thuyền công suất lớn vươn ra đánh bắt khơi xa. Ảnh: Văn Miên

   

Hệ thống nhà nghỉ cao cấp được xây dựng trên vùng biển Vĩnh Hy phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng
của du khách quốc tế. Ảnh: Văn Miên

Lĩnh vực xã hội có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 3,18% xuống còn 1,27%, quy mô dân số từ 428.625 người lên 575.275 người. Tỷ lệ hộ nghèo từ 21,8% ( tiêu chí cũ) xuống còn 13,48% ( tiêu chí mới). Giải quyết việc làm từ 4.000 lao động lên 15.000 lao động năm 2011. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, hệ thống trường lớp cho ngành giáo dục tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, số phòng học từ 1.204 phòng lên 3.026 phòng; quy mô học sinh các cấp học đều tăng, đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng, chất lượng ngày càng được chuẩn hóa đạt 97%. Công tác đào tạo nghề ngày càng được đa dạng hóa, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, trong đó đào tạo nghề đạt 25%. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở tất cả huyện, thành phố và đang triển khai phổ cập giáo dục trung học phổ thông cho các nơi có điều kiện.

 

Hệ thống trường lớp được nhà nước đầu tư xây dựng phủ kín đến địa bàn dân cư đáp ứng tốt
nhu cầu học tập của học sinh. Ảnh: Sơn Ngọc

 

Lao động được đào tạo nghề chính quy đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: Văn Miên

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ vượt bậc; các chương trình quốc gia về y tế được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả tốt. Tập trung xây mới, nâng cấp hệ thống các bệnh viện cấp tỉnh, huyện và các trạm y tế từ 66 cơ sở lên 83 cơ sở khám, chữa bệnh với 1.635 giường bệnh; hoàn thành Bệnh viện đa khoa mới quy mô 500 giường bệnh theo hướng hiện đại. Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình có chuyển biến rõ nét, tỷ lệ sinh giảm đạt mục tiêu đề ra là 1,27%. Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế 60%; đạt tỷ lệ 5,6 bác sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 22%.

Công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 500 giường đầu tư thiết bị hiện đại chuẩn bị đưa vào sử dụng
phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Ảnh: T.Long
 
 
 
 Bệnh viện đa khoa các huyện được đầu tư thiết bị hiện đại
chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện. Ảnh: Thanh Long

Hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, rộng khắp với nhiều sự kiện nổi bật, có quy mô lớn và mang đậm dấu ấn chuyên nghiệp, có sức lan tỏa liên tục được tổ chức, qua đó vị thế của tỉnh từng bước được nâng lên, cả nước biết Ninh Thuận nhiều hơn; đã tạo dựng được hình ảnh và thương hiệu mới của tỉnh, tạo bước chuyển biến mới trong thu hút đầu tư và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh. Những năm gần đây, công tác huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng nguồn vốn chương trình mục tiêu của Chính phủ, hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, sự chăm lo của các cấp, các ngành, các đoàn thể và nỗ lực của nhân dân đã góp phần quan trọng để tỉnh thực hiện tốt chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi; đến nay đã cơ bản hoàn thành đề án xóa nhà tạm, nhà tranh tre, vách đất cho hộ nghèo, góp phần hoàn thành sớm mục tiêu không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét.

 

Tỉnh ta tổ chức nhiều hoạt động văn hóa- thể thao quy mô lớn mang đậm dấu ấn chuyên nghiệp.
Ảnh: Sơn Ngọc

 

 Nhà ở của nhân dân các vùng miền trong tỉnh được xây dựng khang trang góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.
Trong ảnh: Khu tái định cư xã Phước Hòa, huyện Bác Ái, đảm bảo nơi ở ổn định cho 152 hộ dân.

Tầm nhìn chiến lược và định hướng phát triển

Tuy đạt được một số thành tựu rất đáng tự hào, nhưng nhìn một cách tổng thể thì Ninh Thuận hiện nay vẫn là tỉnh khó khăn, GDP bình quân đầu người chỉ mới bằng 50% so với bình quân cả nước. Qui mô nền kinh tế còn nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, kết cấu hạ tầng còn yếu kém và thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng cho yêu cầu phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy đúng mức. Một số ngành, lĩnh vực phát triển chưa ổn định, chưa có sự đột phá để tạo động lực thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các vùng chưa đồng bộ, còn nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ. Quy mô sản phẩm, khả năng cạnh tranh thấp, sản phẩm có giá trị gia tăng không nhiều; năng lực sản xuất mới tăng chậm. Chất lượng giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số-gia đình và trẻ em còn bộc lộ những bất cập; nhất là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Đời sống một bộ phận đồng bào ở miền núi, vùng bãi ngang còn nhiều khó khăn...

Để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, rút ngắn khoảng cách chênh lệch so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, cần phải có những bước đi riêng, khác biệt, có tính cạnh tranh cao, với tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận theo một tư duy mới, đón nhận những giá trị mới do quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mang lại. Với suy nghĩ đó và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài (Tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh) lập 3 quy hoạch trọng điểm của tỉnh, trong đó Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch phát triển thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và quy hoạch phát triển dải ven biển đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục và phê duyệt trong thời gian tới.


Toàn cảnh Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020
và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2011

Mục tiêu hướng tới là: “Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, tránh thiên tai; kinh tế phát triển nhanh, bền vững theo mô hình kinh tế “xanh, sạch”; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, gắn với việc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; bảo đảm quốc phòng- an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội”. Một số chỉ tiêu chính được xác định là: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 16 - 18%/năm. GDP/người năm 2015 đạt trên 25 triệu đồng/người (tương đương 1.400 USD), gấp 2,2 lần so với năm 2010. Tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng đạt 40%; ngành Nông, lâm, thủy sản đạt 25%; các ngành Dịch vụ đạt 35 %. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2015 đạt 1.700 tỷ đồng; tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách đến năm 2015 đạt 10%. Tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 đạt 29-30%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt 180 triệu USD. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 đạt 60 ngàn tỷ đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 50%, trong đó đào tạo nghề đạt 33%. Chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động, phấn đấu đến năm 2015 tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm xuống còn 37%; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng lên 28%, khu vực dịch vụ tăng lên 35%...

 Công ty May Tiến Thuận tạo việc làm cho lao động có thu nhập ổn định góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Ảnh: Văn Miên

 

Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên đòi hỏi một sự nỗ lực lớn và quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị với nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng tập trung triển khai hiệu quả 2 nhóm nhiệm vụ và giải pháp có tính đột phá sau đây:

- Thứ nhất : Triển khai cụ thể, quyết liệt, bài bản và đồng bộ các nhiệm vụ từ khâu chỉ đạo xây dựng quy hoạch chi tiết đến tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành, các sản phẩm theo đúng lộ trình Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo kết nối khai thác lợi thế của vùng để phát huy tốt nhất lợi thế kinh tế của tỉnh, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường ven biển; triển khai nâng cấp tuyến quốc lộ 1A đoạn từ sân bay quốc tế Cam Ranh đến Phan Rang và một số công trình trọng điểm khác; chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ khởi công xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh theo Quyết định của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Ưu tiên phát triển 6 ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, gồm 4 nhóm ngành cơ bản là: Năng lượng sạch; du lịch; nông lâm thủy sản; sản xuất chế biến và 2 nhóm ngành phụ trợ là giáo dục-đào tạo và xây dựng, kinh doanh bất động sản. Mục tiêu phát triển của 6 cụm ngành trên là đóng góp 91% GDP của tỉnh và giải quyết 85% lao động của toàn xã hội vào năm 2020, cụ thể:

+ Năng lượng: Mục tiêu là xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, chiếm từ 5-8% sản lượng điện quốc gia vào năm 2020, trọng tâm là điện hạt nhân và năng lượng tái tạo; cùng với việc tập trung đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân qui mô công suất 4.000 MW, sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo theo quy hoạch bao gồm điện gió, điện mặt trời và ổn định công suất thủy điện hiện có gắn với phát triển thủy điện tích năng khu vực miền núi...

Mô hình xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh. 

Mô hình phát triển điện gió trong tương lai. Ảnh: CTV

+ Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, ứng dụng công nghệ sản xuất mới, nhất là công nghệ sinh học để sản xuất sản phẩm sạch, có giá trị gia tăng cao, nâng cao năng suất cây trồng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gắn với thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.

+ Đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng sạch, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường; tập trung phát triển các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh, phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế, tạo giá trị gia tăng cao; đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất phụ tùng ô tô (Hyundai) và sản xuất, chế tạo các sản phẩm cơ khí phục vụ cho các nhà máy điện gió và điện mặt trời. Phát triển mạnh các ngành tiểu thủ công nghiệp đặc thù của tỉnh, theo hướng xây dựng mỗi huyện, thành phố có từ 3-5 làng nghề, mỗi làng nghề có từ 2-3 sản phẩm đặc thù, nhằm tạo thương hiệu cho các làng nghề và các sản phẩm đặc thù của tỉnh.

Công ty CP Giống Nha Hố chọn lọc nhân rộng nhiều giống lúa mới phục vụ phát triển
kinh tế nông nghiệp địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc

  

Sử dụng pin mặt trời mở ra triển vọng mới của ngành năng lượng tỉnh ta.
Trong ảnh: Hệ thống pin mặt trời được lắp đặt tại Sở KH & CN Ninh Thuận. Ảnh: Sơn Ngọc

 

Làng nghề gốm Bàu Trúc thu hút đông đảo du khách tham quan và mua sản phẩm làm quà lưu niệm.

+ Phát triển các ngành Dịch vụ có giá trị gia tăng cao, là thế mạnh của tỉnh, có nhiều tiềm năng và điều kiện phát triển, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế trụ cột, tập trung triển khai các dự án du lịch trọng điểm, nhằm tạo sự khác biệt có tính cạnh tranh cao như Khu du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng cao cấp ở Vĩnh Hy và Mũi Dinh, Bình Tiên với tổng vốn đầu tư được đăng ký hàng tỷ USD và các dự án du lịch cao cấp khác dọc tuyến biển và du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch cộng đồng.

Vịnh Vĩnh Hy thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp

+ Phát triển ngành Xây dựng trở thành ngành kinh tế mạnh, hình thành thị trường bất động sản có sức cạnh tranh cao và xây dựng môi trường sống tốt, theo hướng phát triển các khu đô thị, nhà ở cao cấp theo mô hình biệt thự ven đô cho người có thu nhập cao; xây dựng tòa nhà cao ốc, đầy đủ tiện nghi phục vụ nhu cầu thuê văn phòng của các chuyên gia, các tập đoàn kinh tế lớn gắn với triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh, sạch, đẹp”.

 + Với mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trên một số lĩnh vực tỉnh có lợi thế cho khu vực, cần tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến, kêu gọi dự án đầu tư thành lập trường đại học, trường đào tạo nghề tiêu chuẩn quốc tế, có tính cạnh tranh cao. Tập trung triển khai các dự án xây dựng các cơ sở đào tạo, y tế đạt tiêu chuẩn quốc tế gắn với du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; tăng cường hợp tác liên kết với các trường đại học có uy tín, có thương hiệu trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực tại tỉnh.

- Thứ hai: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong hành động vì quê hương cho mọi công dân của tỉnh. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực để khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, với trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm vì quê hương cho mỗi một công dân Ninh Thuận; phát huy hiệu quả hoạt động Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) theo cơ chế “một cửa liên thông” trên lĩnh vực đầu tư, đây là mô hình mới và đầu tiên trong nước được xây dựng theo mô hình của Singapore. Các nhà đầu tư khi đến Ninh Thuận chỉ tiếp xúc với EDO để thực hiện các thủ tục đầu tư từ khâu đầu đến khâu cuối.

 

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh ký kết các dự án với nhà đầu tư nước ngoài
tại Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020
và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2011.

 

 Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định đầu tư cho các doanh nghiệp
tại Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020
và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2011. Ảnh: V.Miên

Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) Ninh Thuận đi vào hoạt động trong năm 2010, góp phần thu hút đầu tư,
nâng cao chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh. Trong ảnh: Cán bộ EDO hướng dẫn các doanh nghiệp
lập thủ tục cấp phép đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Long 

Phấn khởi, tự hào trước những kết quả đạt được sau 20 năm tái lập tỉnh, cùng với định hướng và những mô hình đã, đang triển khai theo một tư duy phát triển mới sẽ là hành trang và là tiền đề quan trọng để toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tự tin vững bước trên con đường hướng đến mục tiêu xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.