Kinh tế biển động lực để phát triển Ninh Hải

(NTO) Cách đây 20 năm khi tái lập tỉnh, huyện Ninh Hải bấy giờ (bao gồm cả huyện Thuận Bắc ngày nay) có diện tích 57.840 ha. Là mảnh đất kiên cường, hừng hực ngọn lửa đấu tranh cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, huyện Ninh Hải được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 10-4-2001. Sau khi chia tách - tái lập huyện Thuận Bắc vào tháng 7-2005, diện tích của huyện Ninh Hải mới còn lại 25.383 ha, với dân số khoảng 100 ngàn người.Với bờ biển dài 54 km, vừa có núi, vừa có biển nên Ninh Hải được coi là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế biển.

Phát triển kinh tế biển là thế mạnh của huyện Ninh Hải. Nhà nước đầu tư nhiều tỉ đồng xây dựng
cảng Mỹ Tân, Ninh Chữ đáp ứng nhu cầu sắm mới tàu thuyền khai thác hải sản của ngư dân.
Trong ảnh: Cảng cá Mỹ Tân nhộn nhịp vào mùa đánh bắt cá vụ Nam. Ảnh Văn Miên

Theo tìm hiểu của chúng tôi, biển Ninh Hải có nhiều bãi rạn san hô, là nơi cư trú sinh sản của các loài hải sản quý hiếm có thể khoanh nuôi, bảo tồn; có ngư trường đánh bắt rộng lớn với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, Ninh Hải còn có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng với những cảnh quan đẹp như bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy, Vườn Quốc gia Núi Chúa…, gắn liền với các di tích lịch sử cách mạng, có khả năng mở các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển. Để phát huy lợi thế ấy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Hải nhiệm kỳ 2011-2015 đã xác định mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, bao gồm du lịch biển và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, Ninh Hải đã quy hoạch mở rộng các khu du lịch hiện có, đồng thời cùng với tỉnh xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng thêm các khu du lịch, nhà hàng khách sạn lớn, tiêu biểu là Khách sạn 4 sao Sài Gòn-Ninh Chữ.

Khách sạn 4 sao Sài Gòn- Ninh Chữ được xây dựng đánh dấu bước phát triển mới
trong ngành du lịch huyện NInh Hải. Ảnh: CTV

 

Hệ thống nhà nghỉ cao cấp được xây dựng trên vùng Núi Chúa phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng
của du khách quốc tế. Ảnh: Văn Miên

Thực hiện chương trình quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh, Ninh Hải đã phối hợp tổ chức kêu gọi, thu hút nhiều nhà đầu tư khảo sát, đăng ký và tham gia thực hiện các dự án, trong đó đáng chú ý là việc hình thành khu du lịch cao cấp Nam Núi Chúa. Vườn quốc gia Núi Chúa có tổng diện tích gần 30.000 ha, trong đó hơn 22.000 ha là phần đất liền, còn lại hơn 7.000 ha phần biển, với nhiều rạn san hô kỳ ảo tạo thành khu vườn dưới nước hay còn được ví như “rừng nhiệt đới nguyên sinh dưới đáy biển”. Hiện nay Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường đã triển khai một số hoạt động nhằm phát triển du lịch bền vững, khảo sát mở một số tour tuyến mới và xây dựng phương án thu vé tham quan vườn. Về du lịch biển, nhờ chất lượng dịch vụ tại các khu du lịch được cải thiện và đầu tư mới, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu nên lượng du khách đến tham quan nghỉ dưỡng tăng cao; trong năm 2011 ngành Du lịch đã đón 190.000 lượt du khách trong và ngoài nước (tăng gần 30.000 người so với năm 2010).

Du khách đi tàu đáy kính tham quan rạng san hô ở Vĩnh Hy. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho biết: “Trong những năm qua, huyện đã và đang khai thác hiệu quả các tiềm năng kinh tế biển như: Phát triển ngành muối công nghiệp, muối diêm dân; đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tôm giống và dịch vụ, du lịch biển”. Trong lĩnh vực kinh tế thủy sản, huyện Ninh Hải đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng đạt hiệu quả. Toàn huyện hiện có 960 tàu thuyền các loại, với tổng công suất hơn 39.000 CV, trong đó có 80 tàu từ 50-90 CV, 88 tàu từ 90-250 CV, 23 tàu từ 250-400 CV và 3 tàu từ 400 CV trở lên. Tàu thuyền công suất lớn được trang bị các phương tiện máy móc hiện đại, rất thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản xa bờ dài ngày. Sản lượng khai thác hải sản tăng dần hàng năm, năm 2011 đạt 10.500 tấn (100% kế hoạch), tăng 200 tấn so với năm 2010, riêng 2 tháng đầu năm nay khai thác hải sản đạt sản lượng 1.380 tấn.

 

Đầu tư phát triển nghề làm muối- khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển của huyện Ninh Hài.
Trong ảnh mùa thu hoạch muối của Xí nghiệp muối Đầm Vua. Ảnh Sơn Ngọc

Trong nghề cá của Ninh Hải, đáng chú ý là các cơ sở hạ tầng như cảng cá Ninh Chữ, bến cá Mỹ Tân đã được đầu tư xây dựng. Về nuôi trồng thủy sản, Ninh Hải phát triển ổn định 500 ha diện tích nuôi tôm thịt và 200 cơ sở sản xuất tôm post. Các mô hình nuôi ốc hương, nuôi rong sụn, chế biến hải sản... đã thu hút được hàng trăm lao động ở địa phương và đem lại thu nhập đáng kể cho hàng chục hộ gia đình. Ngoài ra, Ninh Hải còn phát triển đồng muối với diện tích 450,5 ha, tập trung chủ yếu ở khu vực đầm Vua, Khánh Hải, Tri Hải với sản lượng khai thác năm 2011 đạt 202.730 tấn, vượt 19,25% kế hoạch năm và tính trong 2 tháng đầu năm nay đã đạt sản lượng 23.850 tấn.

 

Sơ chế hải sản tạo việc làm thường xuyên cho lao động vùng biển có thu nhập bảo đảm an sinh xã hội.
Ảnh: Sơn Ngọc

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, huyện Ninh Hải đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, riêng kinh tế biển đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và giúp hạ dần tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2015, Ninh Hải xác định tiếp tục tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, trọng tâm là tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ và có chất lượng; đồng thời chú trọng đẩy mạnh sản xuất thủy sản, muối công nghiệp và các sản phẩm hóa chất sau muối, nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở các vùng ven biển.