Nguy cơ hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra

Trên địa bàn tỉnh ta, vào hai tháng cuối mùa mưa lũ năm 2011 có tổng lượng mưa ở mức rất thấp, chiếm tỷ lệ vào khoảng 20% so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Bước vào mùa khô năm nay, mặc dù trong khu vực đã xuất hiện mưa trái vụ, tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, thì hiện tượng La Nina - là hiện tượng thời tiết có thể gây mưa nhiều, chỉ tồn tại đến tháng 4-2012.

(NTO) Gần một tháng qua, trong khu vực không có mưa xuất hiện và hầu hết các yếu tố khí tượng khác đều đạt ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN, nhất là yếu tố nhiệt độ.

 
Tình trạng khô hạn tại hồ Ông Kinh. Ảnh: Nguyễn Sơn

Theo số liệu tổng hợp của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình Thuỷ lợi, cho đến thời điểm ngày 19-3, trong tổng số 16 hồ trên toàn tỉnh, thì 11 hồ có dung tích hiện tại nhỏ hơn 50% so với dung tích thiết kế. Kể cả nhóm hồ lớn nhất như: Sông Sắt dung tích hiện tại 32 triệu m3 (còn 46%), Sông Trâu dung tích hiện tại 7,91 triệu m3 (còn 25%), Tân Giang dung tích hiện tại 2,12 triệu m3 (còn 15%)... Đặc biệt là mực nước một số hồ đã xuống rất thấp, gần tới mực nước chết như: Ông Kinh, Phước Nhơn, CK7, Suối Lớn, Bầu Ngứ, Thành Sơn, Tà Ranh …

Nếu tình trạng hạn hán, thiếu nước có xảy ra thì hậu quả để lại là rất lớn và rất dai dẳng. Trước mắt là nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã được thông báo ở cấp III- cấp cao và dễ xảy ra cháy rừng. Và dấu hiệu của tình trạng khan hiếm nước phục vụ cho sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu xảy ra ở một số địa phương như: thôn Tân Mỹ (Mỹ Sơn), thôn Lương Giang (Quảng Sơn)…

Theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Ninh Thuận, trên địa bàn khu vực tỉnh ta trong thời gian tới, có thể vẫn chưa có mưa và cảnh báo khả năng tình hình thời tiết nắng nóng sẽ xuất hiện. Có thể nói, chúng ta đang ở vào thời kỳ tiến dần tới đỉnh điểm của mùa khô hạn năm 2012. Trên cơ sở có được sự chia sẻ một lưu lượng nước đáng kể từ tỉnh bạn Lâm Đồng qua Nhà máy Thuỷ điện Đa Nhim, thì các vấn đề chủ động, tiết kiệm, kế hoạch và tổ chức phân phối hợp lý những nhu cầu về nước, vẫn là bài toán khó và cấp bách hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta cần thúc đẩy các biện pháp nhằm phòng, chống cháy rừng có hiệu quả trong thời gian tới.