Phân vân chuyện chọn ngành học

Không còn nhiều thời gian nộp hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng năm 2012, nên hiện các học sinh lớp 12 đang phân vân trước những lựa chọn ngành nghề cho mình trong tương lai...

(NTO) Học sinh đắn đo

Bên lề ngày hội Tư vấn mùa thi năm 2012 do Báo Thanh niên vừa tổ chức, chúng tôi được nghe không ít tâm sự của các em học sinh lớp 12 về việc lựa chọn ngành nghề cho mình. Phần lớn các em đều chưa thể đưa ra một quyết định chính xác về lựa chọn ngành học. Cũng chính vì vậy, nên dù thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi chưa đến nhưng một số em cũng đã chuẩn bị sẵn giải pháp: Đăng ký thi nhiều khối, nộp hồ sơ dự thi ở nhiều ngành, nhiều trường... để có thêm thời gian suy nghĩ hoặc dự thi xong, dựa vào kết quả thi mới quyết định chọn học ngành nào, trường nào. Em Lê Hồng Châu, học sinh Trường THPT Lê Duẩn, Ninh Sơn cho biết: “Em thi 2 khối A và B nhưng vẫn chưa biết nên chọn thi vào y dược, dầu khí hay sư phạm! Để có thêm thời gian suy nghĩ, có lẽ em sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi ở tất cả các ngành này, sau đó dự thi 2 khối, 2 ngành rồi dựa vào kết quả mới quyết định”. Cách làm của những học sinh như Châu cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ "chọi ảo" của các trường. Nhiều thí sinh trước khi bước vào kỳ thi lại e ngại, thiếu tự tin khi nhìn vào chính tỷ lệ chọi đó.

 
Ảnh: Bích Thủy

Ai cũng biết rằng, lựa chọn ngành thi đại học là quyết định sự nghiệp mà mình sẽ theo đuổi trong suốt cuộc đời sau này. Năng lực của bản thân và niềm đam mê, yêu thích được xem là điều quan trọng đầu tiên để học sinh quyết định chọn nghề. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng xác định được năng lực của mình sau 12 năm đèn sách. Nhất là với những em có lực học trung bình, lại thụ động ít tham gia các hoạt động ngoại khóa, đoàn, hội trong nhà trường.

Bên cạnh chọn ngành, nghề thì việc chọn trường cũng hết sức quan trọng. Nhiều học sinh muốn thi vào những trường có điều kiện học tập tốt nhất, uy tín đào tạo hàng đầu. Nhưng một số phụ huynh, học sinh khác lại xem việc chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình là tiêu chí đầu tiên. Em Lê Thị Hồng Quyên, Trường THPT Phan Bội Châu (Thuận Bắc) cho biết: “Em thích nghề kinh doanh, bán hàng nhưng đang rất đắn đo vì học ngành này nếu thi vào trường công lập thì em khó mà đỗ. Còn các trường dân lập thì phần lớn học phí đều rất cao”.

Phụ huynh cũng phân vân

Để có thể đưa ra quyết định, những tư vấn của gia đình, người thân cũng hết sức quan trọng. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng có thể đưa ra được những lời khuyên đúng đắn cho con. Vì mong muốn của mình, rất nhiều phụ huynh ép buộc con phải thi trường này, học trường kia mà không quan tâm đến sở thích, năng lực của con. Một số phụ huynh khác lại có suy nghĩ đơn giản rằng, thi vào trường này, trường kia chỉ để thuận lợi đi lại, có nhà người quen ở gần hay đã có những đứa con trước đang theo học. Bên cạnh đó, với những học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, cha mẹ quanh năm chỉ biết đến công việc đồng áng, ruộng nương thì việc chọn nghề hoàn toàn là do chính các em quyết định.

Ngay cả với những phụ huynh là cán bộ, công chức, để có được những lời tư vấn, định hướng đúng đắn cho con cũng không phải là điều đơn giản. Chị Huỳnh Ngọc Châu, có con đang học lớp 12, Trường THPT Tháp Chàm cho biết: “Tôi thấy cháu có vẻ thích và học giỏi tiếng Anh, lại khá năng động nên muốn hướng cháu thi vào sư phạm tiếng Anh hoặc ngành biên dịch. Cháu lại bảo thích ngành Quan hệ công chúng, mà ngành học này thì ngay bản thân tôi cũng chưa rõ là sau này học ra sẽ làm gì? Liệu ở Ninh Thuận mình có xin việc được không?”

Tự tin vào năng lực để lựa chọn đúng đắn

Trong khi các bạn cùng lớp đang hết sức phân vân và đi từ lựa chọn này sang lựa chọn khác thì Trần Phi Hùng, lớp 12B1, Trường THPT Tôn Đức Thắng (Ninh Hải) lại tỏ ra rất tự tin với quyết định của mình. Từ nhỏ, Hùng đã thích nghề sư phạm. Lên cấp 3, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa ở trường, em càng tự nhận thấy mình có khả năng diễn đạt rất tốt, có thể diễn thuyết trước đám đông nên có thể theo nghề giáo. Thành tích học tập của Hùng cũng nghiêng hẳn về các môn khối A, Hùng cho biết: “Em đã quyết định thi ngành sư phạm Hóa, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Em rất tự tin vào lực học của mình và sau khi tìm hiểu kỹ các thông tin về ngành học, trường học thì em thấy đây cũng là một sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh gia đình còn khó khăn của em”.

Tương tự như Hùng, Đỗ Minh Trí, học sinh Trường THPT Tháp Chàm có mặt trong buổi tư vấn mùa thi khi đã có sự lựa chọn chắc chắn về ngành học mình định dự thi. Trí nói: “Em đã yêu thích và quyết tâm thi vào ngành Điện điện tử từ lâu. Chính vì vậy, em cũng đã tìm hiểu khá kỹ về ngành học này bằng nhiều kênh khác nhau và đến giờ chỉ chờ ngày nộp hồ sơ dự thi và quyết tâm thi đỗ”.

Khi đã đưa ra được những quyết định chính xác, những học sinh như Trí và Hùng sẽ có nhiều thời gian hơn, tâm lý thoải mái hơn để tập trung ôn tập cho những kỳ thi. Nhưng để có được những quyết định như vậy, đòi hỏi các em phải có sự chuẩn bị từ trước, quan trọng là có niềm đam mê và hiểu được năng lực bản thân. Sự tư vấn của các chuyên gia, những lời khuyên của gia đình, thầy cô là cần thiết nhưng quan trọng hơn cả vẫn phải là sự quyết định của chính mình. Mong rằng, các học sinh lớp 12 sẽ nhanh chóng có được quyết định đúng đắn và tự tin với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.