Các trường hợp được hoàn trả viện phí khi chưa nhận thẻ bảo hiểm y tế

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải đáp các trường hợp được cơ quan Bảo hiểm xã hội hoàn trả viện phí khi chưa nhận được thẻ BHYT vào thời điểm khám chữa bệnh. Đây cũng là vấn đề đang được nhiều bạn đọc quan tâm, đề nghị giải đáp.

Theo đó, các trường hợp được hoàn trả viện phí nếu đã đăng ký mua thẻ BHYT hoặc trong diện được cấp thẻ BHYT nhưng chưa nhận được thẻ vào thời điểm khám chữa bệnh, bao gồm:

1. Cấp lại thẻ BHYT khi bị mất;

2. Đổi thẻ BHYT trong trường hợp thẻ BHYT bị rách, nát, hỏng; thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; Thông tin ghi trong thẻ không đúng

Thời điểm bệnh nhân đi khám chữa bệnh phải nằm trong khoảng 7 ngày làm việc, kể từ khi người có thẻ BHYT nộp đủ hồ sơ đề nghị đổi hoặc cấp lại thẻ BHYT tại cơ quan Bảo hiểm xã hội.

3. Một số trường hợp khác cũng được cơ quan Bảo hiểm xã hội xem xét hoàn trả chi phí khám chữa bệnh, đó là:

- Người thuộc diện được cấp thẻ BHYT người nghèo (có tên trong danh sách do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phê duyệt), học sinh, sinh viên (có tên trong danh sách đã đóng BHYT của trường) nhưng vì lý do khách quan mà người tham gia BHYT chưa nhận được thẻ BHYT để xuất trình khi đi khám, chữa bệnh.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã nộp đủ hồ theo quy định về cấp thẻ BHYT cho cơ quan Bảo hiểm xã hội nhưng sau thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nộp mà chưa nhận được thẻ BHYT.

- Cán bộ hưu trí, mất sức, các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người có công, thân nhân người có công đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp thẻ BHYT nhưng chưa nhận được thẻ do chậm trễ trong khâu cấp phát cũng được cơ quan Bảo hiểm xã hội xem xét thanh toán hoàn trả chi phí khám chữa bệnh. Các trường hợp này phải được UBND xã, phường chứng nhận người tham gia BHYT chưa nhận được thẻ do nguyên nhân nêu trên.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng lưu ý, để được hưởng đầy đủ quyền lợi khám chữa bệnh BHYT theo quy định ngay tại bệnh viện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến cáo các trường hợp thuộc diện được cấp thẻ BHYT nhưng đến thời điểm thẻ cũ đã hết hạn sử dụng (hoặc phải đi khám, chữa bệnh) mà chưa nhận được thẻ mới thì phải đến ngay Cơ quan quản lý lao động của mình (đối với người lao động) hoặc UBND xã, phường để hỏi và đề nghị các cơ quan này trả thẻ (nếu đã được nhận thẻ từ cơ quan Bảo hiểm xã hội) hoặc trực tiếp liên hệ với Bảo hiểm xã hội quận, huyện trên địa bàn để được giải quyết.

(Theo Chinhphu.vn)