Phiên tòa lưu động: Cầu nối pháp luật đến người dân

Những phiên toà xét xử lưu động diễn ra công khai trước sự chứng kiến, quan tâm của đông đảo người dân địa phương. Đây là “kênh” thông tin hiệu quả nhất để tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cộng đồng dân cư.

(NTO) Trong năm qua, toàn tỉnh đã xét xử lưu động 106 vụ án, tăng 29 vụ so với năm 2010; trong đó có 11 vụ cấp tỉnh, 95 vụ cấp huyện; TAND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm nhiều nhất với 36 vụ xét xử. Đây chủ yếu là các loại án hình sự mang tính nghiêm trọng, nhằm mục đích răn đe, giáo dục với mọi công dân như: giết người, mua bán ma tuý, cướp giật tài sản... Những năm gần đây, phiên toà lưu động diễn ra thường xuyên hơn, kinh nghiệm xét xử lưu động cũng được các cấp “tích luỹ” nên chất lượng từng phiên toà ngày càng được nâng cao, không có án huỷ, án oan.

Đơn cử tại phiên toà lưu động ngày 28-9-2011, ở UBND xã Thành Hải (Phan Rang-Tháp Chàm) xét xử 2 bị cáo Nguyễn Văn Đức (SN 1965) và Trần Quốc Hùng (SN 1984) cùng ngụ tại tỉnh Khánh Hòa, TAND Tp. Phan Rang- Tháp Chàm đã tuyên phạt mỗi bị cáo 36 tháng tù giam về “Tội mua bán trái phép chất ma tuý”. Trong quá trình xét xử, đôi khi có những tiếng vỗ tay tán thành, thỉnh thoảng có những tiếng xì xầm không đồng tình nhưng kết thúc phiên toà, ai đến xem cũng nhận định mức án thoả đáng, vừa có tình, có lý. Từ phiên toà, người dân nhận thức được ma tuý là một hiểm hoạ của xã hội, cần phải tránh xa. Cũng từ những phiên toà lưu động, người dân sẽ biết được phương thức hoạt động, thủ đoạn của bọn tội phạm để từ đó tăng tính cảnh giác, đề phòng.

Một người dân đến dự phiên toà cho biết: “ Tôi thì không quen biết bị cáo, tại thấy thông báo trên loa nên đến xem thôi. Đến đây rồi mới biết có nhiều cái hay, tôi thấy hình phạt như vậy là phù hợp cho các bị cáo. Gần đây, ở xã cũng xảy ra nhiều vụ án phức tạp, xét xử lưu động thu hút người dân đến xem là cách tuyên truyền, giáo dục pháp luật và qua đó cảnh cáo con em mình không vi phạm pháp luật”.

Nơi diễn ra các phiên toà có thể là một bãi đất trống của thôn, hay tại hội trường UBND xã, nơi mà các tội phạm cư trú hay gây án. Khi tham gia các phiên toà lưu động, không chỉ có bị cáo biết được tội trạng của mình mà qua việc trình bày bản cáo trạng, tham gia tranh tụng, trình bày bản luận tội với những lập luận lô-gic, làm sáng tỏ tình tiết, chứng cứ vụ án, phương pháp, động cơ, mục đích, nguyên nhân, điều kiện phạm tội của bị cáo, kiểm sát viên có trách nhiệm vừa là người thay mặt Nhà nước thực hành quyền công tố vừa là tuyên truyền viên truyền đạt những kiến thức pháp luật đến đông đảo các tầng lớp nhân dân… Người dân sẽ đựơc tiếp cận pháp luật một cách sinh động và chân thực hơn nên rất dễ dàng tiếp thu và dễ hiểu. Ngoài mục đích tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, đây còn là cơ hội để cho kiểm sát viên, hội động xét xử nâng cao nâng lực, bản lĩnh và kỹ năng nghề nghiệp trước công chúng.

Để phiên toà lưu động thành công, các đơn vị, đoàn thể phải phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu: từ chọn án, địa điểm, lực lượng bảo vệ phiên toà, đến chọn những người “cầm cân nẩy mực”. Ông Nguyễn Văn Được, Phó Chánh án Toà Hình sự cho biết: “ Toà lưu động là cách thức tuyên truyền pháp luật nhanh và hiệu quả nhất đến với người dân. Để có một phiên toà lưu động thành công, chúng ta phải chọn đúng án, đúng mục đích, nếu không sẽ phản tác dụng. Thế nhưng, từ trước đến nay, toà lưu động chỉ tập trung vào các loại án hình sự mà quên án dân sự, cũng rất cần phổ biến cho người dân. Chẳng hạn, cũng vụ tranh cấp quyền sử dụng đất, nếu đem xét xử lưu động thì những người dân “cùng chung hoàn cảnh” với các đương sự sẽ tự tìm cách giải quyết với nhau mà không cần phải ra hầu toà. Thời gian tới, cần tăng cường nhiều hơn các phiên toà lưu động cả về số lượng, chất lượng và các loại án khác”.