Ðẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) do Bộ Chính trị phát động đã trở thành một phong trào lớn, rộng khắp trong cả nước, với mục tiêu là hướng người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, coi đây thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam. Qua 2 năm triển khai, với sự vào cuộc tích cực và đồng bộ của các sở, ban, ngành, CVĐ đạt được những kết quả khả quan.

(NTO) Đồng chí Quảng Tài, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: “Thực hiện Thông báo số 246-TB/TW ngày 31-7 của Bộ Chính trị về tổ chức CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, UBMTTQ Việt Nam tỉnh là cơ quan trực tiếp triển khai CVĐ, đã sớm tham mưu cho Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo gồm 19 thành viên do đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị triển khai và phát động CVĐ. Thành lập bộ phận giúp việc, hướng dẫn đôn đốc, tập hợp, theo dõi việc xây dựng và triển khai thực hiện của các tổ chức thành viên; hướng dẫn triển khai trong hệ thống mặt trận từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức thành viên, đưa CVĐ trở thành một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Mặt trận các cấp”.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sản xuất trong nước tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà.
Ảnh: Văn Miên

Nổi bật, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt CVĐ. Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ tổ chức phát động từng đợt chương trình quảng bá, khuyến mại chăm sóc khách hàng, tuyên truyền người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt Nam. Đồng thời tổ chức tốt nguồn hàng chất lượng do trong nước sản xuất, có giá cả hợp lý về cung ứng tại địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong 2 năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 81 đợt đưa hàng Việt về vùng nông thôn, với doanh thu trên 3,3 tỷ đồng. Sở Công Thương cũng đã giúp đỡ các doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, đào tạo nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp; các nhà phân phối hàng hóa trong tỉnh tổ chức tốt dịch vụ thương mại, chăm sóc khách hàng. Trong năm 2011, đã tổ chức và vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia tổ chức 2 hội chợ, trong đó chú trọng chương trình lồng ghép với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà phân phối ưu tiên bán sản phẩm do Việt Nam sản xuất, đưa hàng có chất lượng cao, có thương hiệu do trong nước sản xuất về tận địa bàn thị trường nông thôn, miền núi… đồng thời kết hợp với các chương trình quảng bá, khuyến mại, chăm sóc khách hàng.

Đưa hàng Việt chất lượng cao về phục vụ người tiêu dùng vùng nông thôn. Ảnh: Dạ Nguyệt

Các thành viên CVĐ đã tổ chức tuyên truyền cho hàng chục nghìn hội viên nắm rõ chủ trương và hưởng ứng CVĐ; một số đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, các nhà vườn, nhà khoa học tổ chức nhiều buổi toạ đàm nhằm giúp các hợp tác xã, nhà nông, nhà vườn giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và các doanh nghiệp giới thiệu hoạt động của mình, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Thông qua công tác tuyên truyền và các bước triển khai của Ban Chỉ đạo CVĐ, bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức và tính tự giác của các cấp, các ngành. Có thể nói, từ khi triển khai CVĐ đến nay, các cơ quan, đơn vị khối nhà nước khi trang bị, mua sắm tài sản công đã ưu tiên lựa chọn những sản phẩm là hàng nội địa; người tiêu dùng đã bắt đầu có sự đắn đo, so sánh giữa giá cả và chất lượng của hàng Việt Nam so với hàng ngoại nhập để mua sắm phù hợp với thu nhập; tâm lý “sính” hàng ngoại không còn là mốt mua sắm của người tiêu dùng như trước đây. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động thực hiện CVĐ, các cơ quan chức năng đã làm tốt hơn công tác ngăn chặn, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, … tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng. Việc tổ chức quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện tốt, đa dạng về mẫu mã, giá cả phù hợp, tạo được sự đồng tình và hưởng ứng của người dân. 

Tuy nhiên, để hàng Việt thâm nhập sâu vào thị trường hơn nữa, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cần làm tốt công tác tuyên truyền, có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa để hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp, tư thương đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng Việt về thị trường nông thôn. Hỗ trợ các tư thương, đơn vị kinh doanh để mở các đại lý, cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm, chú trọng hơn nữa phát triển mạng lưới chợ, nhất là các chợ đầu mối và chợ nông thôn, tăng cường công tác quản lý thị trường...

Để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến với đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong thời gian đến cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện CVĐ sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước và tại địa phương; các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, các mặt hàng phải đảm bảo chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đề cao những mô hình, điển hình tiên tiến, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tâm hiệp lực, tham gia thực hiện CVĐ có hiệu quả; phê phán tâm lý xem thường hàng nội địa, sính hàng ngoại của một bộ phận không nhỏ người dân. Phát huy vai  trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và trách nhiệm của các thành viên trong Ban chỉ đạo CVĐ của tỉnh và các địa phương cơ sở trong việc tổ chức vận động, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng để CVĐ ngày càng lan tỏa rộng khắp.

Đồng chí Đỗ Thị Bích Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh:

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là nội dung mới, phạm vi ảnh hưởng rộng đối với đời sống của mọi tầng lớp nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế. Tuy đánh giá bước đầu, công tác triển khai thực hiện còn chậm so với yêu cầu, việc phối hợp tổ chức ở một số ngành chức năng và huyện, thành phố chưa được thường xuyên, liên tục. Song với chủ trương chung và quyết tâm thực hiện, trong năm 2012 và những năm tiếp theo, Ban Chỉ đạo CVĐ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung của CVĐ; bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, đảm bảo cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện CVĐ đạt kết quả, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tạo sự đồng thuận hưởng ứng thực hiện CVĐ, góp phần thực hiện tốt chủ trương hợp lòng dân của Bộ Chính trị.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương:

Hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong năm đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh thông qua những chính sách, chiến lược kinh doanh mới để kích cầu tiêu dùng hàng hóa do DN sản xuất, đồng thời điều chỉnh lại sản xuất để nâng cao chất lượng, giá cả phù hợp và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng; giúp cho đông đảo bà con nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với các loại hàng hóa trong nước có uy tín, giá cả phải chăng, có thêm thông tin so sánh, đánh giá chất lượng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…Tuy nhiên, để thuyết phục người dân tin và sử dụng hàng Việt, chúng ta không thể chỉ tuyên truyền, cổ động, kêu gọi một chiều. Trước hết, DN Việt phải thực sự khẳng định thương hiệu bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tổ chức tốt hệ thống phân phối và chú trọng tới chất lượng dịch vụ, đồng thời làm tốt công tác quảng bá sản phẩm, tăng cường các hình thức khuyến mại đối với khách hàng. Việc đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ là những chuyến hàng lưu động mà các DN phải xây dựng được các hệ thống phân phối, đại lý bán hàng Việt ngay tại các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Ông Nguyễn Thành Trai, Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà:

Có thể nói, đưa hàng Việt đến tận tay người dân là hình thức tiếp thị hiệu quả nhất, tạo cơ hội để người dân tại các vùng sâu, vùng xa, đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp cận với hàng hóa sản xuất trong nước, qua đó hình thành thói quen mua và sử dụng hàng Việt. Đây cũng là mục tiêu mà chúng tôi đang hướng đến trong việc hưởng ứng và thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, tại tỉnh ta việc đưa hàng Việt về nông thôn là một chặng đường dài, không chỉ cần sự nỗ lực của DN mà còn cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và người tiêu dùng. Các cơ quan, ban, ngành phải thiết lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng, thông qua chế tài nghiêm đối với các hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu thông qua các hội chợ triển lãm, các chuyến đưa hàng về nông thôn, tăng cường phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân về hàng hóa và dịch vụ… Về phía người tiêu dùng, chúng ta hãy thay đổi tâm lý sính ngoại và dành sự quan tâm nhiều hơn cho hàng Việt.