Kỳ vọng năm Nhâm Thìn

Những thành tựu kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2011 đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá là “rất đáng trân trọng”. Sang năm 2012, dự báo khó khăn cũng còn khá nặng nề, nhưng chúng ta vẫn có cơ sở kỳ vọng về sự phát triển. Kỳ vọng được xét trên 3 khía cạnh của mục tiêu, đó là lạm phát, cán cân thanh toán và tăng trưởng.

Lạm phát

Lạm phát được coi là vấn đề “nóng” nhất của năm 2011 (thực chất là từ tháng 9/2010), với tốc độ tăng CPI khá cao.

Tuy nhiên, lạm phát đã chậm lại từ giữa năm 2011, đặc biệt trong 3 tháng cuối năm đã tăng thấp (bình quân tăng 0,43%/tháng). Đây là kết quả của việc thực hiện nhiều giải pháp được đề ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán đã giảm nhanh so với các năm trước; bội chi ngân sách/GDP thấp hơn các năm trước và mục tiêu đề ra; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP giảm nhanh; tốc độ tăng tiêu thụ trong nước thấp xa so với năm trước và giảm nhanh trong các tháng của năm nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, CPI năm 2012 theo mục tiêu đề ra dưới 10% là có tính khả thi, thậm chí có thể còn xuống thấp hơn nữa (dưới 9%).

Kỳ vọng này xuất phát từ nhiều căn cứ. Các giải pháp, chính sách thực hiện trong năm 2011 và tiếp tục thực hiện trong năm 2012 sẽ phát huy tác dụng. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP theo mục tiêu năm 2012 còn thấp hơn của năm 2011 (33,5% so với 34,6%); theo đó hiệu quả đầu tư cao lên (hệ số ICOR giảm từ 5,9 lần xuống còn 5,2- 5,6 lần). Tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP theo mục tiêu năm 2012 cũng thấp hơn (4,8% so với 4,9%). Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ giá có thể không còn thấp như năm trước (4,7%), nhưng có thể vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu (6,0- 6,5%), do người tiêu dùng vẫn còn tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”. Giá cả thế giới tiếp tục có dấu hiệu chững lại, khi EU vẫn còn khó khăn vì nợ công, khi tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, ở một số khu vực còn được dự báo là bị suy thoái. Số liệu thống kê CPI trong 8 năm qua cũng cho thấy, cứ sau 2 năm tăng cao, thì có 1 năm tăng thấp hơn; nay sau 2 năm (2010, 2011) tăng cao thì khả năng cũng lặp lại chu kỳ trên sẽ tăng thấp hơn trong năm 2012.

Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, bởi năm 2012 vẫn có một số yếu tố tác động đến việc tăng CPI. Quan hệ cơ bản nhất giữa đầu tư và tiêu dùng cuối cùng so với sản xuất GDP vẫn còn mất cân đối lớn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng dự kiến tăng cao hơn. Lãi suất huy động và cho vay khó giảm mạnh, nhất là trong nửa đầu năm. Bội chi ngân sách/GDP theo mục tiêu tuy thấp hơn năm trước, nhưng vẫn còn cao (4,8% so với 4,9%). Tốc độ tăng lương tối thiểu dự kiến từ tháng 5 thuộc loại cao nhất so với các đợt trước; thực hiện phục cấp công vụ, phụ cấp thâm niên giáo viên. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng theo định hướng chung. Yếu tố tâm lý vẫn còn tác động mạnh, khi việc mua vàng của dân cư vẫn gia tăng ngay cả khi giá vàng ở trong nước cao hơn giá thế giới hàng triệu đồng/lượng,…

Cán cân thanh toán

Cán cân thanh toán sau 2 năm bị thâm hụt, năm 2011 đã có thặng dư khá. Đó là một trong những kết quả nổi bật của năm 2011.

Kỳ vọng năm 2012 tiếp tục đạt được kết quả khả quan cả về thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cả về giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), cả về vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), cả về kiều hối, cả về chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam,…

Thực hiện FDI tính theo tỷ USD có thể là năm thứ 5 đạt ở mức 2 chữ số bởi còn tới trên 60% lượng vốn đã đăng ký tính đến cuối năm 2011 chưa được thực hiện. Việc giải ngân ODA có lượng vốn cam kết, ký kết còn lớn và có lợi thế thời gian vay dài, lãi suất thấp hơn, trong khi lãi suất vay trong nước vẫn còn cao. Lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào sẽ nhiều hơn. Lượng kiều hối có khả năng đạt kỷ lục mới khi giá chứng khoán, bất động sản ở mức thấp, việc mua nhà của Việt kiều được đẩy mạnh hơn.

Lượng ngoại tệ thu được từ khách quốc tế sẽ tăng “kép”: vừa do lượng khách đến gia tăng (sẽ vượt kỷ lục 6.014 triệu lượt người của năm 2011), vừa do chi tiêu bình quân 1 ngày liên tục tăng lên (năm 2003 đạt 74,6 USD, năm 2005 đạt 76,4 USD, năm 2006 đạt 83,5 USD, năm 2009 đạt 91,2 USD,…), do vậy sẽ vượt kỷ lục 5,62 tỷ USD của năm 2011.

Riêng về cán cân thương mại, theo mục tiêu kế hoạch có một số vấn đề đáng lưu ý. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, nếu năm 2011 tăng 33,3%, thì mục tiêu năm 2012 chỉ tăng 13%; tỷ lệ nhập siêu nếu năm 2011 là 9,9%, thì mục tiêu năm 2012 là 11- 12%.

Xuất khẩu năm 2011 có đặc điểm là tăng rất cao và có quy mô lớn, cũng có nghĩa là số gốc so sánh đã cao lên, làm cho tốc độ tăng của năm 2012 khó giữ được như cũ. Giá xuất khẩu cũng khó đạt được tốc độ tăng như năm trước. Lượng xuất khẩu của một số loại hàng hoá khó tăng cao, do có loại đã tới ngưỡng (như gạo và một số nông sản), hoặc do phải tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên (như dầu thô, than đá,…), hoặc do nhu cầu nhập khẩu của các đối tác lớn của Việt Nam khó tăng cao, thậm chí có nơi, có loại còn bị giảm do nơi thì bị khủng hoảng nợ công, nơi thì tăng trưởng chậm lại, làm cho đầu tư, tiêu dùng co lại.

Tăng trưởng

Tăng trưởng GDP năm 2011 đạt 5,86%, tuy thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu, nhưng có 5 điểm tích cực. (1) Đó là tốc độ tăng thuộc loại cao so với tốc độ tăng chung của thế giới và của khu vực. (2) Tốc độ tăng cao lên qua các quý. (3) Đạt được trong điều kiện gặp khó khăn thách thức ở cả đầu vào và ở cả đầu ra, cả ở những hạn chế, bất cập ở trong nước và tác động tiêu cực từ nước ngoài- là nỗ lực lớn và là kết quả đáng khích lệ. (4) Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thuỷ sản tăng cao hơn 2 năm trước. Nhóm ngành công nghiệp- xây dựng tăng thấp hơn tốc độ chung chủ yếu do công nghiệp khai thác và xây dựng bị giảm, còn công nghiệp chế biến, công nghiệp điện nước tăng khá cao. Nhóm ngành dịch vụ tăng cao hơn tốc độ chung. (5) Tư duy về tăng trưởng đã có sự chuyển đổi quan trọng, tức là việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã bắt đầu có sự khởi động: không chọn tăng trưởng bằng mọi giá, tăng trưởng “ảo”; chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng dần chuyển sang chất lượng tăng trưởng.

Mục tiêu năm 2012, tăng trưởng GDP ở mức 6- 6,5%. Tốc độ tăng trưởng này được coi là hợp lý. Tính hợp lý của tốc độ này thể hiện trên nhiều khía cạnh. (1) Tăng trưởng 6% là để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. (2) Mục tiêu đó là vừa phải do còn phải tập trung cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô. (3) Đó cũng là mức tối thiểu để bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội. (4) Khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu đạt mức 6,5%, tạo tiền đề vật chất để thực hiện tốt hơn các mục tiêu khác (cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế), tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế. (5) Tính hợp lý còn được thể hiện ở các yếu tố đầu vào (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm từ ước 34,6% năm 2011 xuống còn 33,5- 34% theo mục tiêu năm nay) và ở các yếu tố đầu ra (tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chậm lại, tốc độ tăng xuất khẩu cũng chậm lại, từ ước 33% xuống còn 12- 13%.

Nguồn www.chinhphu.vn