Xuất khẩu năm 2012: Chuyển lượng thành chất

Năm 2012, ngành Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng khoảng 13% so với năm 2011 với kim ngạch khoảng 108,8 tỷ USD. Đây là một thách thức rất lớn đòi hỏi toàn ngành nỗ lực phấn đấu.

Thách thức và cơ hội...

Phát biểu tại Hội nghị Tham tán thương mại năm 2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2011, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, kinh tế thế giới năm 2012 tiềm ẩn nhiều bất ổn do cuộc khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung châu Âu, vấn đề nợ công của Mỹ... Đây sẽ là thách thức đối với công tác xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh minh họa

Theo ông Vũ Văn Trung, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, không ít doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam không am hiểu thị trường và kinh doanh theo kiểu ăn xổi đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của hàng hóa Việt Nam. Những doanh nghiệp này sẽ không có chỗ đứng trong bối cảnh xuất khẩu năm 2012 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Về cơ hội, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định, nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản trong năm 2012 tiếp tục tăng cao nhằm phục vụ việc khôi phục sản xuất và tái thiết vùng bị thiệt hại trong trận động đất, sóng thần năm 2011. "Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tận dụng tối đa Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực từ tháng 10/2009. Trong 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, 84,6% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản sẽ dần được miễn thuế, tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam xuất sang nước này, đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản, đồ gỗ, dệt may và các mặt hàng công nghiệp khác", ông Trung nói.

Đối với Hàn Quốc, các mặt hàng nông sản Việt Nam, trong đó có rau quả tươi, đã có mặt tại thị trường này. Ngoài ra, theo ông Lê An Hải, Tham tán thương mại của Việt Nam tại Hàn Quốc, nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp Hàn Quốc đối với hàng tiêu dùng và thủy sản của Việt Nam cũng rất lớn. Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đang xúc tiến để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu phở và bánh tráng vào Hàn Quốc.

Nội lực của doanh nghiệp

Đối với ngành dệt may, phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng) hiện chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, nhưng đây cũng là dư địa để ngành tăng trưởng mạnh trong năm tới.

Năm 2011, xuất khẩu theo phương thức ODM mới của ngành mới đạt khoảng 800 triệu USD, chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Theo mục tiêu đặt ra, tỷ lệ này sẽ được nâng lên 15% vào năm 2015 và 20% năm 2020.

Theo ông Ngô Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 2, năm 2011, 50% nguyên phụ liệu để sản xuất được Công ty mua từ các nhà cung cấp nội địa. Phương án này sẽ được Công ty tăng cường triệt để trong năm 2012, nhằm giảm bớt áp lực về tỷ giá và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.

Đặc biệt, năm 2012, các doanh nghiệp có thêm cơ hội mua xơ sợi trong nước do Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ (Liên doanh giữa Vinatex và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2011.

Theo công bố của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2011, ngành dệt may xuất siêu 6,5 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so với năm 2010. Với mức xuất siêu này, ngành dệt may đã nâng tỷ lệ nội địa hóa lên tới 48%.

Da giày đã trở thành ngành hàng xuất khẩu ấn tượng không kém dệt may khi thu về 6,52 tỉ USD trong năm 2011, xếp thứ ba trong tốp 10 ngành hàng xuất khẩu lớn nhất hiện nay. Theo tính toán của Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), trong 6,5 tỉ USD xuất khẩu nói trên, mức giá trị gia tăng mà ngành thu về được ước trên 55%, tăng ít nhất 5% so với năm 2010.

Lefaso đặt mục tiêu xuất khẩu 7 tỉ USD trong năm 2012, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp không nhận hợp đồng có giá trị thấp để tránh hệ lụy từ việc chống bán phá giá từ các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết 2011 là năm thành công lớn của ngành thủy sản khi mọi chỉ tiêu xuất khẩu đều có sự tăng trưởng khá trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Ngành thủy sản đã ngược dòng ngoạn mục khi vượt qua cột mốc 6 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, bỏ khá xa kế hoạch 5,7 tỉ USD đặt ra hồi đầu năm 2011.

Ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Phó chủ tịch VASEP - cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đạt được mục tiêu xuất khẩu 6,3-6,5 tỉ USD như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra cho năm 2012. “Nếu các doanh nghiệp cố gắng duy trì số lượng xuất khẩu vào các thị trường chính truyền thống như EU, Mỹ, Nhật..., đồng thời mở thêm các thị trường mới rất tiềm năng như Trung Quốc, Nga... thì mục tiêu đạt được không khó” - ông Quang nhận xét. Theo ông Quang, hiện ngành chế biến thủy sản của Việt Nam đã có trình độ khá cao nên dù gặp nhiều bất lợi về nguyên liệu, chi phí, thời gian qua vẫn cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Với trên 7 triệu tấn gạo đã xuất khẩu trong năm 2011, mức cao nhất từ trước đến nay với kim ngạch trên 3,6 tỉ USD, gạo trở thành mặt hàng xuất khẩu cực kỳ quan trọng trong bối cảnh nguồn cung lương thực thế giới ngày một eo hẹp. Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong năm 2011 người trồng lúa trúng lớn khi được mùa, được giá, nhiều thời điểm người trồng lúa đạt mức lời lên đến 50-80%.

VFA xác định xuất khẩu gạo của Việt Nam trong các năm tiếp theo không chạy theo số lượng mà tập trung vào sản xuất lúa gạo chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu. Do đó, các năm tới sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ ở mức 6-7 triệu tấn.

Dù thu về được 3,9 tỉ USD xuất khẩu trong năm 2011, nhưng ông Trần Quốc Mạnh, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, không giấu được lo lắng khi xuất khẩu vào EU năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, theo ông Mạnh, bên cạnh khó khăn tại thị trường EU, ngành gỗ vẫn có tiềm năng phát triển nếu biết tận dụng tốt các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu gỗ nhập khẩu, các doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Một điểm đáng mừng là xu hướng nhập khẩu nguyên liệu trong ngành chế biến gỗ ngày một ít đi do việc sử dụng nguyên liệu trong nước ngày càng nhiều (chủ yếu là gỗ tràm). “Nếu như Chính phủ có định hướng tốt về trồng rừng khai thác gỗ thì nguyên liệu nhập khẩu sẽ ngày càng giảm” - ông Mạnh tin tưởng.

Nguồn www.chinhphu.vn