Tiếp tục đẩy mạnh việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Qua hơn 4 năm triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh càng nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa cũng như giá trị to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

(NTO) Cuộc vận động đã tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm, nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và trong các tầng lớp nhân dân, trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội. Nhiều phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc "làm theo" tấm gương đạo đức của Bác đã khắc phục dần tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, cũng như nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng. Qua đó xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác.

Đồng chí Phan Đình Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao bằng khen
của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích trong triển khai
thực hiện Cuộc vận động Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật,
báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” - tháng 6-2011.
Ảnh: V.Miên

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến năm 2015. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/TU triển khai thực hiện Chỉ thị 03; thành lập bộ phận giúp việc Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua 6 tháng triển khai thực hiện, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm quý qua 4 năm thực hiện Cuộc vận động, nhiều cấp ủy Đảng đã triển khai, duy trì và phát huy tốt hơn các phong trào thi đua để tiếp tục đưa việc học tập đến làm theo trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng thiết thực ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Qua học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Người, các tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhận thức sâu sắc hơn về sự cần, kiệm, liêm, chính; về đạo đức công vụ; phòng và chống tiêu cực trong sử dụng các nguồn tài chính công…Hàng tháng, tùy tình hình thực tế, chi bộ chọn 1 đến 2 nội dung để sinh hoạt và kể cả cán bộ, công chức, viên chức không phải là đảng viên được nghe nói chuyện, học tập và liên hệ với bản thân; cấp ủy, lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể tổ chức giới thiệu những nội dung có liên quan thiết thực để cho hội viên, đoàn viên nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm vóc giá trị tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Nhờ đó, đã hạn chế trong từng cán bộ lãnh đạo, quản lý và từng công chức, viên chức không gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, có tinh thần và hành động cụ thể đấu tranh chống lại mọi biểu hiện thoái hóa, xuống cấp về đạo đức xã hội. Cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng gắn với nhiệm vụ chính trị đã tạo ra sức lan tỏa, nhân rộng các điển hình tập thể, cá nhân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có tác dụng tốt trong toàn xã hội.

Tuy nhiên, qua đánh giá chung vẫn còn nổi lên một số mặt hạn chế. Đó là một số cấp ủy Đảng còn trông chờ cấp trên về nội dung, chương trình, kế hoạch, thời gian và nhiệm vụ cho từng năm; có nơi xác định việc “làm theo” chưa rõ nét, chưa thật sự phù hợp với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, và từng cá nhân; còn lúng túng trong việc bình xét khen thưởng cuối năm; chưa kịp thời bổ sung và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Việc kiểm tra cũng như phát hiện biểu dương, tôn vinh và nhân rộng những điển hình chưa kịp thời; một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, vẫn còn đảng viên, công chức, viên chức vi phạm pháp luật, phẩm chất đạo đức, lối sống… gây bất bình trong quần chúng nhân dân.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên quan trọng, trở thành ý thức tự giác trong toàn Đảng và toàn xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn bổ sung và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp nghiêm túc nghiên cứu, học tập để quyết tâm làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tập trung việc “làm theo” một cách thiết thực, cụ thể. Nghiên cứu học tập chuyên đề : “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc, tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”. Từng cán bộ, đảng viên liên hệ bản thân, xây dựng kế hoạch cụ thể cá nhân phấn đấu, rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức, bao gồm cả việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp… Chú trọng sự cần, kiệm, liêm, chính của từng cán bộ lãnh đạo, quản lý và từng công chức, viên chức; nâng cao đạo đức công vụ, không tham nhũng, không hối lộ và nhận hối lộ; phòng và chống các tiêu cực trong sử dụng các nguồn tài chính công, trong công tác quản lý và triển khai các dự án đầu tư, đất đai, xây dựng; Sự khiêm tốn, chí công vô tư, tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân, trách nhiệm cao với công việc; không gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân; luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, không quan liêu xa dân; mọi thành viên trong xã hội chăm lo xây dựng môi trường đạo đức xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức, nhân cách, văn hóa; Có tinh thần và hành động cụ thể đấu tranh chống lại mọi biểu hiện thoái hóa, xuống cấp về đạo đức xã hội; Giữ cho đời tư và cuộc sống riêng của gia đình, của bản thân mỗi người trong sáng, giản dị… Nhưng nội dung “làm theo” các chuẩn mực đạo đức cần được cụ thể hóa phù hợp yêu cầu mới, sát hợp từng đối tượng cán bộ, đảng viên và nhân dân theo ngành nghề, vị trí, công tác, lứa tuổi, giới, đặc điểm xã hội,…nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với phẩm chất đạo đức cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị, phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.