Vườn xuân Phước Bình

Trở lại Vườn Quốc gia Phước Bình giữa mùa xuân mới 2012, chúng tôi được tận hưởng không gian trong lành, ngàn cây xanh mướt thảm rừng nguyên sinh. Dòng sông Tô Hạp trong ngần cung cấp nguồn nước tưới cho bản làng bốn mùa cây xanh, trái ngọt. Con người vùng cao mang đậm sắc thái văn hóa bản địa hồn hậu, mến khách.

(NTO) Phước Bình là địa điểm lý tưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu động, thực vật mang tính đặc hữu của Ninh Thuận.

Khởi hành từ TP. Phan Rang- Tháp Chàm theo hướng Tây Bắc, ô-tô chạy hơn một giờ, chúng tôi có mặt tại khu rừng đặc dụng thường xanh nổi tiếng bậc nhất của tỉnh. Chỉ tay lên tấm bản đồ chi chít dấu hiệu “đặc hữu” của rừng nguyên sinh á nhiệt đới, Thạc sĩ Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình chia sẻ niềm vui của những người “lính rừng” lặng lẽ gìn giữ tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của tỉnh nhà.

Du khách khám phá thiên nhiên độc đáo của rừng Phước Bình.

Anh cho biết, đơn vị có gần 50 cán bộ, nhân viên đảm nhận quản lý bảo vệ 19.814 ha rừng tự nhiên. Điểm đặc sắc của Phước Bình hiện có 1.225 loài thực vật, có nhiều loài thuộc diện tài nguyên quý hiếm của quốc gia như pơ-mu, thông lá dẹt, cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ. Và trong hơn 300 loài động vật sinh sống tại Phước Bình có tới 69 loài được ghi vào danh mục “sách đỏ” thế giới.

Đặc biệt bầy bò tót từ núi cao xuống “nhập cư” với bò vàng địa phương thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học và báo chí trong cả nước. Với tài nguyên rừng đa dạng sinh học, Phước Bình là vùng rừng đầu nguồn sinh thủy quan trọng của dòng Sông Cái cung cấp nước sản suất, sinh hoạt cho cư dân các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải và TP. Phan Rang- Tháp Chàm. Việc lãnh đạo tỉnh cho phép thành lập Vườn Quốc gia Phước Bình là quyết định có tầm nhìn chiến lược gìn giữ thảm rừng sinh cảnh độc đáo của Ninh Thuận. Đặc biệt trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, việc tồn tại của khu rừng đầu nguồn của tỉnh, có ý nghĩa rất lớn về môi trường.

Bò tót sinh sống tại Vườn Quốc gia Phước Bình.

Theo bước chân cán bộ khoa học Vườn Quốc gia Phước Bình, chúng tôi đi dọc triền sông Tô Hạp thuộc các thôn Bạc Ray, Gia É. Nông dân đặt mô-tơ điện bơm tưới cho những vườn cây xum xuê trái ngọt chuẩn bị vào mùa thu hoạch cung cấp thị trường tết vùng xuôi.

Với lượng mưa trung bình hàng năm trên 1.500 mm, bốn bề núi non che kín gió, đất đai màu mỡ là điều kiện “lý tưởng” cho cư dân phát triển kinh tế vườn vươn lên làm giàu từ các dự án hỗ trợ của Vườn Quốc gia Phước Bình. Ít ai ngờ rằng giữa vùng đồi núi Phước Bình có những vườn cao su, cà phê, hồ tiêu, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, mít ruột vàng phát triển xanh tốt như miền Đông Nam Bộ hoặc Đắc Lắc. Thạc sĩ Nguyễn Công Vân cho biết tuy mới qua hơn 5 năm thành lập nhưng Vườn Quốc gia Phước Bình đã tổ chức cho 252 hộ nhận chăm sóc bảo vệ trên 5.500 ha với kinh phí hàng năm trên 1,1 tỉ đồng theo chương trình đầu tư 30a của Chính phủ.

Hỗ trợ nông dân trồng mới 226 ha cây điều, cây mít với nguồn vốn 1.488 triệu đồng. Đồng thời thực hiện các mô hình trồng mít ruột đỏ, thâm canh bắp lai, đậu xanh trên đất dốc. Các dự án phát triển sinh kế của đơn vị giúp cộng đồng dân cư nâng cao đời sống, giảm bớt áp lực vào rừng làm rẫy, khai thác lâm sản, săn bắt động vật.

Cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Phước Bình liên kết thực hiện nhiều đề tài khoa học ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó có Đoàn chuyên gia về lửa rừng của Cục Nông Lâm nghiệp Hoa Kỳ đến nghiên cứu tác động và biện pháp phòng tránh lửa rừng tại Phước Bình.

Sở Khoa học- Công nghệ và Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện đề tài nghiên cứu theo dõi đánh giá đa dạng sinh học các loài cây thân gỗ. Kết quả nghiên cứu giúp đơn vị xây dựng 70 ô tiêu chuẩn thực vật và 5 ô định vị với diện tích 1.400 m2.

Thả bè trên sông, loại hình du lịch tại Vườn Quốc gia Phước Bình.

Ban Giám đốc Vườn phối hợp với Viện Sinh học Nhiệt đới thực hiện dự án: “Nghiên cứu xây dựng mô hình trình diễn quản lý và phát triển bền vững du lịch sinh thái gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, có sự tham gia của cộng đồng”, dự án do Sở Khoa học& Công nghệ Ninh Thuận chủ trì… Từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước và các tổ chức quốc tế giúp cho Vườn Quốc gia Phước Bình bảo tồn nguyên vẹn giá trị đa dạng sinh học vốn có của khu rừng.

Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình phối hợp với cấp ủy và chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực tích cực tham gia giữ gìn tài nguyên rừng và giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của tộc người Raglai, Churu địa phương.

Phước Bình sẽ là điểm đến lý tưởng của các nhà nghiên cứu khoa học và của du khách yêu thích thiên nhiên. Về Phước Bình, du khách được thưởng ngoạn không gian xanh biếc ngàn cây hòa quyện cùng tiếng suối, tiếng chim rừng, tiếng mã la tạo thành bản “hòa âm” độc đáo của miền cao giữa mùa xuân mới.