Thuận Nam: Nâng cao chất lượng dân số vùng biển

Năm 2009, Đề án 52 về “Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển” chính thức được triển khai trên địa bàn huyện Thuận Nam với mục tiêu kiểm soát quy mô dân số vùng biển và ven biển, duy trì mức sinh thay thế, tiến tới ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Nhờ sự hỗ trợ từ đề án, những năm qua, công tác dân số của huyện có nhiều khởi sắc.

(NTO) Ngay sau khi tiếp nhận đề án, lãnh đạo và các ban, ngành trong huyện đã tích cực triển khai về các xã biển và ven biển. Được sự hỗ trợ kinh phí của cấp trên, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã tổ chức nhiều đợt truyền thông, cấp phát tờ rơi kết hợp với tuyên truyền trên sóng phát thanh về kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả trong việc vận động về kiểm soát dân số và chuyển đổi hành vi cho đối tượng đặc thù vùng biển và ven biển. Phối hợp với Trung tâm Y tế thành lập đội chăm sóc SKSS lưu động và mạng lưới cộng tác viên (CTV) dân số để tổ chức các hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ.

Các hoạt động chính của đề án 52 là đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ; nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại các vùng biển và ven biển; phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn…;xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về DS, SKSS/KHHGĐ. Chị Nguyễn Thị Kim Tuyết, chuyên trách DS xã Cà Ná cho biết: “Để người dân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Trạm Y tế xã được đề án hỗ trợ kinh phí đầu tư một số trang thiết bị y tế cần thiết như: Dụng cụ khám phụ khoa, máy soi tươi, siêu âm... Cán bộ trạm được tập huấn nâng cao chuyên môn, CTV dân số được trang bị kiến thức về SKSS/KHHGĐ và kỹ năng thu thập, quản lý thông tin dân số trên địa bàn mình phụ trách”.

CTV dân số huyện Thuận Nam tư vấn về SKSS-KHHGĐ cho phụ nữ xã Cà Ná.

Bên cạnh đó, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện còn tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS vị thành niên, tình bạn, tình yêu, phòng chống mang thai ngoài ý muốn cho đối tượng thanh-thiếu niên địa phương. Việc hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và nâng cao hiệu quả truyền thông cũng đang được triển khai tích cực. Công tác truyền thông về DS, SKSS/KHHGĐ cũng thường xuyên được phát trên đài truyền thanh của huyện, xã và qua các hội nghị truyền thông trực tiếp tại cơ sở. Nhờ triển khai đề án 52 có hiệu quả, tại 3 xã Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná, thông qua các đợt thực hiện chiến dịch năm 2011, đã có 440 phụ nữ được khám và tư vấn về bệnh phụ khoa, 160 phụ nữ khám thai, xét nghiệm viêm gan B miễn phí cho 200 phụ nữ mang thai, soi tươi cho 300 người và gần 1.000 lượt người sử dụng các biện pháp KHHGĐ.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thuận Nam cho biết: “Do đặc thù lao động nghề biển, người dân có tâm lý thích sinh đông con, nhất là con trai để có người đi biển, có thêm nhân lực làm kinh tế gia đình... Hơn nữa, kiến thức về chăm sóc SKSS, phòng tránh viêm nhiễm, phòng ngừa các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ sơ sinh... của người dân vùng biển còn hạn chế. Quá trình đi làm ăn dài ngày trên biển cũng khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin truyền thông về chính sách DS-KHHGĐ. Nhưng từ khi triển khai đề án 52, những khó khăn trên đã dần được khắc phục, nhận thức của người dân về SKSS/KHHGĐ cải thiện đáng kể, chất lượng dân số vùng biển của địa phương ngày một nâng cao”.