Gạo thơm - cơ hội tăng xuất khẩu

Hơn 2 tháng sau khi chính phủ mới của Thái Lan thực hiện chương trình mua lúa cho nông dân theo giá cam kết, với giá khoảng 750-800 USD/tấn trở lên, cộng với tình hình lũ lụt tồi tệ tại Thái Lan vẫn không làm cho giá gạo thế giới tăng như mong đợi. Ấn Độ, Pakistan đang là những đối thủ cạnh tranh lớn của gạo Việt Nam khi có giá bán thấp hơn 100USD/tấn. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ gạo thế giới cũng đang mở ra một cơ hội lớn cho mặt hàng gạo thơm của Việt Nam, khi giá bán và sản lượng tiêu thụ của gạo thơm đang tăng lên.

Gạo thơm tăng giá

Trong giai đoạn hiện nay, thị trường gạo thế giới phân khúc rõ và hình thành 4 cấp độ giá khác nhau: Gạo Thái Lan hình thành từ giá lúa can thiệp của chính phủ khoảng 800USD/tấn, trong khi gạo cũ tồn kho của Thái Lan giao dịch ở mức 600USD/tấn. Gạo Việt Nam ở mức 550USD/tấn, gạo Ấn Độ, Pakistan giao dịch ở mức 440-450USD/tấn. Do Ấn Độ, Pakistan đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo, trám vào phần thiếu của Thái Lan với giá thấp hơn 100USD/tấn trở lên, trong lúc gạo Thái Lan và Việt Nam giao dịch trầm lắng thì gạo Ấn Độ, Pakistan và cả Myanmar lại sôi động.

 Nông dân xã Mỹ Lệ (Long An) thu hoạch lúa chế biến gạo thơm Chợ Đào. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đồng tình, chính sách can thiệp mua lúa giá cao của Thái Lan đối với gạo thơm, thị trường hầu như dành riêng cho Thái Lan, kế đến là Việt Nam đã có tác động rõ nét. Giá gạo thơm Thái Lan đã lên 1.050-1.060 USD/tấn so với giá 800-900USD/tấn bán trước đó. Và Thái Lan đang muốn đẩy lên 1.200-1.300 USD/tấn trong thời gian tới. Gạo thơm Việt Nam nhờ đó cũng đã được đẩy lên 800USD/tấn, thậm chí 870USD, tăng khoảng 30-40USD/tấn so với trước. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, 2 tháng qua, khi thị trường gạo thường hầu như không có hợp đồng thương mại mới, nhưng vẫn ký được hợp đồng gạo thơm.

Tuần qua, tại cuộc họp giao ban xuất khẩu gạo tháng 12-2011, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ) cho biết, gạo thơm thời gian qua đã tăng gần 100USD/tấn, hợp đồng gạo thơm vừa ký của công ty lên đến 870USD/tấn. Hợp đồng Công ty Trung An ký được tháng 11 và 12 tăng gần gấp đôi so với tháng trước đó. Ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lương thực TPHCM (Foodcosa) cho biết thêm, thị trường “ăn” gạo thơm của Việt Nam nhiều nhất là Hongkong (Trung Quốc), kế đến là Singapore, Malaysia, Pháp…

Trước đây, Thái Lan là nước cung cấp gạo thơm chính cho thị trường này, Việt Nam rất khó chen chân vào. Nhưng từ năm 2010, gạo thơm Việt Nam được đưa vào thị trường này. Lượng gạo cung cấp tăng mạnh so với những năm trước đó. Điểm nhấn là thời điểm Tết Nguyên đán năm 2010, nhà nhập khẩu Hongkong liên tục đặt hàng để cung cấp cho thị trường tại chỗ, bán sang Trung Quốc và cả Malaysia. Gạo thơm vào thị trường này gồm KDM (Hương Lài), Jasmine (Thơm Mỹ), Tài Nguyên, Nàng Thơm Chợ Đào, ST1, ST2, ST3.

Mới đây có thêm gạo thơm nàng Hoa, đặc sản của Long An và Tiền Giang trồng vụ thu đông, đây là giống thơm nhẹ, ít bạc bụng, dẻo cơm. Foodcosa đã xuất sang Hongkong khoảng 1.000 tấn và vừa ký thêm hợp đồng 1.000 tấn sẽ giao hàng vào tháng 1- 2012. Như vậy, năm 2011, chỉ riêng Foodcosa đã xuất sang thị trường Hongkong khoảng 11.000 tấn gạo thơm các loại, chủ lực là KDM, Jasmine, VD20 (năm 2010 gần 10.000 tấn).

Nhờ đặc điểm của các giống gạo thơm là thu hoạch trước Tết âm lịch, nên khách hàng Hongkong rất quan tâm vì là gạo mới, ngon, thơm. Theo VFA, đến cuối tháng 11 Việt Nam xuất 434.000 tấn gạo thơm các loại so với cả năm 2010 là 216.000 tấn.

Khuyến khích trồng lúa thơm

Mỗi năm Hongkong nhập khẩu khoảng 300.000 tấn gạo thơm các loại, đây là thị trường còn nhiều tiềm năng của gạo thơm Việt Nam. Nhà nhập khẩu đã chấp nhận mua gạo thơm Việt Nam do chất lượng không thua kém gạo thơm Thái Lan nhưng giá cả lại cạnh tranh hơn. Với diễn biến này, năm 2012 gạo thơm Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ chính sách tăng giá của Thái Lan.

Trong số 10 triệu tấn gạo Thái Lan xuất khẩu năm 2011, phần lớn là gạo thơm và gạo đồ, gạo thường chiếm không nhiều. Trong khi gạo thường do Ấn Độ, Pakistan và Myanmar nắm giữ nên giá không tăng được, nhưng với gạo thơm thị trường thế giới có sự thay đổi theo chiều hướng tốt. VFA nhận định, hiện nay gạo thường Việt Nam chưa thể cạnh tranh với gạo Ấn Độ và Pakistan do giá Việt Nam đứng ở mức cao hơn, nhưng không vì thế mà giảm mạnh. Điều quan trọng là Việt Nam có thể lấp vào khoảng trống do Thái Lan để lại với loại gạo cao cấp là gạo thơm và gạo 5% tấm. Không những vậy, đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

VFA khuyến cáo các tỉnh vùng ĐBSCL nên chọn giống lúa chất lượng cao thay vì giống thường. Hiện nay, giống lúa thường phổ biến IR50404 đang được mua ào ạt để gieo sạ. Dù chưa có số liệu chính thức nhưng tỷ lệ giống lúa thường đang xuống giống vụ đông xuân (vụ chính, năng suất, chất lượng cao nhất) ở mức khá cao. Đây là vụ lúa mà lúa hàng hóa dùng làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu theo từng phẩm cấp gạo trong năm.

Vì vậy, VFA đề nghị Bộ NN-PTNT cùng các tỉnh tích cực hơn nữa trong việc phổ biến thông tin về thị trường và chuẩn bị lúa giống chất lượng cung cấp cho bà con. Bởi năm 2012, nhất là vụ đông xuân, đầu ra của gạo thường thế giới là bài toán khó.

Nguồn Báo SGGP Online