Tiền lương các ngành quá chênh lệch

Ngày 8-12, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân cho biết, qua thống kê của Bộ LĐTB-XH, lương trung bình của người lao động tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, điện lực, than... là 8,14 triệu đồng/tháng. Nhóm ngân hàng, tài chính có mức cao hơn với 10,5 triệu đồng/tháng.

Bộ này cho hay, lương bình quân hàng năm khối DNNN đều tăng. Năm 2008 lương bình quân tại các DNNN là 3,12 triệu đồng thì đến năm 2010 đã tăng lên 3,7 triệu đồng. Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn giữa các ngành.

Tại 36 công ty mẹ của các DNNN hạng đặc biệt, lương của DN có lợi thế (dầu khí, than, điện lực, hàng không, bưu chính, ngân hàng, tài chính, thuốc lá...) cao gấp 3,35 lần so với nhóm không có lợi thế (lâm nghiệp, dệt may, vận tải đường sắt, mía đường, giấy...).

Ở các doanh nghiệp có lợi thế, tiền lương người lao động không ngừng tăng lên. Vào năm 2008, mức lương bình quân là 5,9 triệu đồng/tháng thì đến 2009 đã đạt 6,95 triệu và 2010 đạt 7,64 triệu đồng (cao hơn 2,06 lần so với bình quân chung của DNNN).

Với tiền lương của lãnh đạo, bình quân của thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc khoảng 30 triệu đồng/tháng (trong đó, nhóm DN có lợi thế khoảng 40 triệu đồng/tháng. Lãnh đạo ở nhóm DN không có lợi thế chỉ 15 triệu đồng/tháng). Một số DN trả lương cho chủ tịch chuyên trách, tổng giám đốc lên tới 70 - 80 triệu đồng/tháng, trong khi khung tối đa của Nhà nước là 50 triệu đồng/tháng.

Cũng theo ông Phạm Minh Huân, cách quản trị tiền lương vẫn mang nặng tính hành chính, chưa căn cứ nhiệm vụ để trả lương nên tuyển dụng vẫn dư thừa, nhà nước phải giải quyết. Đa số trả lương theo thâm nhiên, bình quân nên không khuyến khích được lao động giỏi. Chênh lệch giữa người hưởng lương cao nhất và thấp nhất khoảng 5 - 6 lần, trong khi so với thị trường lao động chênh lệch lên tới 50 - 70 lần.

Nguồn Báo SGGP Online