Các tộc họ tự quản người Chăm chung tay xây dựng nông thôn mới

(NTO) Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần xã hội trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta nói chung và đồng bào dân tộc Chăm nói riêng từng bước khởi sắc. 100% xã có đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường lớp xây dựng kiên cố; trạm y tế được phủ khắp; những con đường liên thôn, liên xã dần được nhựa hóa, bê tông hóa; 95% hộ đồng bào được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trình độ học vấn không ngừng được nâng cao; nhân dân cùng nhau đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế để nâng cao đời sống gia đình. Tuy nhiên, khi đời sống của người dân được nâng cao thì tình hình an ninh trật tự cũng dần nảy sinh, nhất là tình trạng lập băng nhóm trộm cắp, quậy phá liên tục diễn ra, gây mất an ninh trật tự. Không những thế, các thế lực thù địch luôn nhen nhóm, lợi dụng sự cả tin nhằm làm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, nảy sinh tình trạng khiếu kiện, tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ, vi phạm pháp luật… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời trong tộc họ.

Mùa thu hoạch lúa của đồng bào Chăm thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu. Ảnh: Sơn Ngọc

Trước tình hình trên, Đảng, chính quyền và các tộc họ trong cộng đồng người Chăm luôn trăn trở, làm thế nào để công tác an ninh trật tự ở các địa phương được giữ vững, bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ, ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực tác động vào đời sống của đồng bào, các tộc họ.... Trăn trở ấy dần được tháo gỡ, khi có sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả cộng đồng, xã hội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các tộc họ tự quản. Điển hình như là tộc họ Đổng Dậu ở thôn Hoài Trung, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, đưa nội dung bảo vệ an ninh Tổ quốc vào trong quy ước dòng tộc để hoạt động. Với hiệu quả thiết thực từ việc làm của tộc họ Đổng Dậu, nhiều tộc họ ở các địa phương khác trong tỉnh cũng dần đưa nội dung bảo vệ an ninh trật tự vào quy ước của dòng tộc. Trong tộc họ cũng đã hình thành Ban lãnh đạo tộc họ từ 3 đến 7 người, có nơi còn thành lập cả Ban quản lý tộc họ, do các thành viên trong các môn (chi) của tộc họ đề cử. Đến nay, toàn tỉnh đã có tới 249 tộc họ người Chăm, trong đó có 18 tộc họ tham gia tự quản về an ninh trật tự, 9 tộc họ có quy ước bảo vệ an ninh trật tự.

Nông dân làng Chăm Hữu Đức đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Sơn Ngọc

Thượng tá Nguyễn Hữu Chung, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Công an tỉnh cho biết: Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", hiện nay trong cộng đồng bà con dân tộc Chăm đã có những tộc họ, trong bản quy ước dòng tộc có riêng một phần quy định về chấp hành pháp luật và đảm bảo an ninh trật tự. Trong các cuộc họp của tộc họ hay vào các dịp lễ, hội...., các “văn bản” pháp luật này được cụ thể hóa, được các tộc trưởng truyền đạt đến từng con cháu trong dòng tộc. Căn cứ quy chế đề ra, khi xảy ra vụ việc mâu thuận, tranh chấp, Ban chấp hành tộc họ chủ động phân tích, hòa giải, nếu không thành sẽ đưa ra kiểm điểm trước tộc họ và nhận sai sót trước chính quyền địa phương. Còn nếu trong gia đình có người vi phạm nghiêm trọng sẽ được tộc họ phối hợp với chính quyền địa phương đưa vào quản lý giáo dục theo Nghị định 163/CP của Chính phủ.

Theo ông Chung, nhờ vai trò tích cực của các dòng tộc trong việc quản lý, giáo dục, vận động con em trong tộc họ không vi phạm pháp luật nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh đã ổn định, số vụ vi phạm pháp luật ngày càng giảm, các vụ mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ nhân dân được xử lý kịp thời, thấu tình đạt lý, không để diễn biến phức tạp, được bà con đồng tình ủng hộ cao. Tộc trưởng Hán Tấn Sướng ở thôn Như Bình, xã Phước Thái hay tộc trưởng Kiều Dách ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước đều cho rằng, kể từ khi đưa quy định về chấp hành pháp luật và đảm bảo an ninh trật tự vào bản quy ước của tộc họ, đến nay tình trạng con em trong từng dòng tộc vi phạm về an ninh trật tự đã giảm rõ rệt.

Từ khi các tộc họ tự quản về an ninh trật tự của đồng bào Chăm được xây dựng, đi vào hoạt động, từng gia đình và từng con cháu trong dòng tộc luôn nâng cao tính tự giác, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều tộc họ đã giáo dục con, em từ hư hỏng trở thành người có ích, từ người vi phạm pháp luật trở thành người lương thiện. Một số tộc họ còn phối hợp với chính quyền địa phương tham gia giải quyết tình hình an ninh trật tự, hòa giải mâu thuẫn tranh chấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó cùng với các dân tộc anh em trong tỉnh đoàn kết, chung sức xây dựng địa phương, xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.