Hướng đi nào cho ngành “Công nghiệp” không khói của tỉnh ?

Với lợi thế nằm trong tam giác du lịch trọng điểm: Đà Lạt – Nha Trang và Mũi Né (Bình Thuận), Ninh Thuận được xác định là một trong những địa phương trọng điểm của chiến lược phát triển du lịch cả nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(NTO) Với bờ biển dài trên 105 km có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy…rất thuận lợi cho việc hình thành các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp. Không những vậy, Ninh Thuận hiện còn nhiều công trình kiến trúc Chăm cổ và nhiều làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm và làm đồ gốm của người Chăm còn nguyên sơ và độc đáo. Dọc bờ biển từ An Hải đến Mũi Dinh có rất nhiều đồi cát rộng, đẹp và sát biển, nổi bật là đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh có quy mô lớn rất phù hợp để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, thể thao mạo hiểm, xây dựng trường đua môtô trên cát…sẽ tạo nét khác biệt, đặc sắc riêng có của tỉnh.

Bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ. Ảnh: Tuấn Dũng

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để biến những tiềm năng nói trên thành hiện thực phát triển?

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành “công nghiệp” không khói Ninh Thuận sẽ phát triển theo hướng toàn diện bao gồm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ phục vụ du lịch. Từng bước hình thành các khu du lịch trọng điểm của cả nước và khu vực Đông Nam Á với các loại hình du lịch độc đáo, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng. Phấn đấu đến năm 2020 cụm ngành này đóng góp 12% GDP và giải quyết 13% lao động của toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 đón khoảng 1,3 - 1,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 14 - 15% và năm 2020 đón 2,5- 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 19 - 20% lượng du khách đến Ninh Thuận.

Từ định hướng đó, ngành du lịch sẽ phát triển theo 3 hướng, một là phát triển du lịch biển, với khâu đột phá là đầu tư cải thiện mạnh mẽ điều kiện hạ tầng giao thông, tạo kết nối cao giữa các khu du lịch với các trục quốc lộ, nhất là tuyến đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná dài 116 km, kết nối các khu du lịch biển với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; đi đôi với đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, xây dựng tỉnh Ninh Thuận thành một trong những vị trí chiến lược trong mạng lưới du lịch của cả nước và khu vực. Từ đó hình thành 5 khu du lịch biển gồm: khu du lịch Bình Tiên, Bình Tiên - Vĩnh Hy, Bình Sơn - Ninh Chữ, Mũi Dinh, Cà Ná. Trong đó, khu du lịch Bình Tiên - Vĩnh Hy và Bình Sơn - Ninh Chữ được xác định là các khu du lịch trọng điểm làm động lực để xây dựng thương hiệu cho du lịch Ninh Thuận. Hai là, hình thành các dịch vụ chất lượng cao, tiến tới xây dựng Ninh Thuận trở thành một điểm đến hấp dẫn. Phấn đấu đến năm 2015, Ninh Thuận trở thành một trong 7 vùng trọng điểm du lịch quốc gia thuộc tam giác du lịch Nha Trang - Đà Lạt- Phan Rang. Ba là, phát triển ngành du lịch theo hướng gắn với các lợi thế sẵn có của địa phương với các loại hình du lịch hiện đại, chuyên nghiệp. Tăng nguồn lực đầu tư đúng mức cho các sản phẩm đặc thù có lợi thế của tỉnh, như rượu vang kết hợp loại hình du lịch nghỉ dưỡng - Spa nho, du thuyền, hình thành các khu Resort quy mô lớn, hiện đại, chất lượng dịch vụ cao, tạo sự khác biệt có tính cạnh tranh cao so với các tỉnh trong khu vực, nhằm cung cấp các sản phẩm du lịch tốt nhất để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Khách tham quan Khu du lịch tháp Po Klong Garai. Ảnh: V.M

Tỉnh cũng đã xác định 6 ngành du lịch trụ cột để phát triển trong thời gian tới, bao gồm: Phát triển loại hình du lịch thuyền buồm cao cấp, hướng đến đối tượng khách du lịch có thu nhập cao; hình thành Câu lạc bộ du thuyền, phát triển từ 100 đến 200 du thuyền tại vịnh Vĩnh Hy; Hình thành các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng gắn với loại hình Spa cao cấp, có thương hiệu quốc tế, sử dụng nguyên liệu đặc thù của Ninh Thuận; Phát triển loại hình du lịch kết hợp thưởng thức rượu vang nho, trở thành điểm đến quan trọng nhất trong khu vực Đông Nam Á; Khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, đặc thù về nắng và gió để phát triển các dịch vụ thể thao như kéo dù, thuyền buồm, đua mô tô trên cát; Hình thành các tour du lịch sinh thái và các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp thân thiện với môi trường và cuối cùng là phát triển mạnh loại hình du lịch văn hóa gắn với các khu di tích Chăm và các làng nghề truyền thống.

Mặt khác, trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển 3 sân Golf ở các Khu du lịch trọng điểm theo định hướng quy hoạch phát triển sân Golf của cả nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó giai đoạn đến năm 2015 gồm 2 sân Golf là Bình Tiên và Ma Trai (sông Trâu) và giai đoạn 2016 - 2020 phát triển thêm sân Golf ở Mũi Dinh đáp ứng nhu cầu của du khách, các chuyên gia và cán bộ làm việc các khu công nghiệp, công trình trọng điểm và các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh.

Hy vọng rằng bằng các chính sách thông thoáng, nhiều ưu đãi… sẽ là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Ninh Thuận.