Góp phần bảo vệ những giá trị văn hoá truyền thống của gia đình Việt

Liệu có nên đưa ngành Gia đình học phổ biến trong các trường thuộc lĩnh vực văn hoá nghệ thuật? Và khi đã đưa vào thì đào tạo như thế nào cho có hiệu quả? Đó là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Đào tạo ngành Gia đình học trong các trường thuộc lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật” vừa được Vụ Đào tạo, Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức.

Đưa ngành Gia đình vào trường học là việc làm cần thiết và cấp bách

Trong xã hội hiện đại, với sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, càng ngày các giá trị của văn hoá gia đình càng bị xuống cấp trầm trọng. Tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng... đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, trên kính dưới nhường dường như đang bị mai một.

Ngày nay, Luật Hôn nhân và Gia đình cho phép người dân được tự do tìm hiểu, yêu nhau rồi kết hôn. Nhưng những cặp vợ chồng trẻ nếu không được trang bị chu đáo kiến thức về gia đình, hôn nhân thì cuộc sống hạnh phúc sẽ mau chóng qua đi, thay vào đó là những xung đột, bạo lực, những bất hạnh triền miên...

Theo thống kê tại các tòa, vụ án về ly hôn đang chiếm trên 50% các vụ án về dân sự. Đáng nói, số vụ ly hôn trong các gia đình trẻ tăng nhanh nhất với trên 70% tập trung ở độ tuổi 22-30. Trong đó, có trên 60% ly hôn khi mới kết hôn từ 1-5 năm và hầu hết đã có con. Điều đó cho thấy 5 năm đầu chung sống, nhiều đôi vợ chồng gặp những khó khăn bước đầu, thiếu trải nghiệm, thiếu kỹ năng sống... và rồi họ sẵn sàng chia tay nhau.

Con số thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2008 cũng cho thấy, 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đúng lúc. Nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ. Theo số liệu điều tra 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có gần 50% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ. Số em bị bố đánh chiếm 23% (gấp 6 lần mẹ đánh), bị dì ghẻ, bố dượng đánh chiếm 20,3%.

Bên cạnh đó, sự xung đột về lối sống giữa các thế hệ trong cùng một gia đình cũng đang là chất xúc tác quan trọng khiến cho nhiều tổ ấm tan vỡ. Nguy hiểm hơn, chính sự lỏng lẻo, đổ vỡ trong các gia đình là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến sự gia tăng những tệ nạn xã hội như: ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha, mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS....

Như vậy chính sự xuống cấp trầm trọng về văn hoá gia đình hiện nay là một trong những nguyên nhân chính đòi hỏi sự cần thiết và cấp bách phải đưa ngành Gia đình học vào giảng dạy trong các trường đại học.

“Trắng” cán bộ về gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có lành mạnh thì xã hội mới lành mạnh, chính vì vậy việc đưa ngành gia đình học vào trong các trường đại học để trang bị cho sinh viên những hiểu biết, kỹ năng sống, ứng xử trong gia đình là điều vô cùng cần thiết. Theo bà Trần Ánh Tuyết – Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL), việc đưa môn văn hoá gia đình vào trong các trường học, không chỉ nhằm trang bị nhóm kiến thức về những vấn đề văn hóa trong lĩnh vực gia đình cho các sinh viên những người sắp làm chủ gia đình, mà trong tương lai họ còn là những cán bộ làm văn hoá hoặc hoạt động trong lĩnh vực này. Để giúp họ nhận thức đầy đủ về nguyên lý cấu thành, lịch sử phát triển và xu hướng biến đổi của gia đình, những giá trị chuẩn mực trong văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống cũng như những vấn đề thực tế đặt ra trong lĩnh vực gia đình hiện nay, ngành gia đình học sẽ trang bị các kiến thức chung về gia đình: Cơ sở hình thành gia đình, chức năng của gia đình, đặc trưng của gia đình, quy mô, cấu trúc gia đình, quy định ứng xử giữa các thành viên trong quan hệ gia đình truyền thống, những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng trong gia đình truyền thống, giáo dục trong gia đình truyền thống, quan hệ gia đình với họ mạc và làng xã, vấn đề tảo hôn, kết hôn với người nước ngoài, các kiểu biến thể gia đình, bạo lực gia đình, quyền trẻ em, bình đẳng giới...

Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL cho thấy: thực tế hiện nay cán bộ thực hiện công tác gia đình tại địa phương còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm. Do đó, có rất nhiều thách thức khó khăn trong việc triển khai công tác gia đình. Chỉ có khoảng 1/3 cán bộ được đào tạo chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Tuyệt nhiên không có cán bộ nào được đào tạo cơ bản chuyên ngành về gia đình.

Chính vì những bất cập trong công tác đào tạo cán bộ hiện nay, hầu hết các đại biểu tham gia Hội thảo đều khẳng định việc cần thiết phải đưa bộ môn Gia đình học vào trong các trường văn hoá nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng băn khoăn, việc giảng dạy những nội dung về văn hóa gia đình vô cùng đa dạng và phong phú, Việt Nam lại có 54 dân tộc với 54 bản sắc văn hoá gia đình khác nhau vì vậy làm thế nào để đào tạo được cán bộ văn hoá tiếp ứng với 54 dân tộc anh em này là điều không hề dễ?

Phát biểu tại Hội thảo, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội- PGS.TS Nguyễn Văn Cương cho biết: Sau 2 năm trường Đại học Văn hóa Hà Nội triển khai đào tạo thí điểm môn học văn hóa gia đình, có thể nhận thấy rõ sự hứng thú của sinh viên khi tiếp nhận mảng kiến thức này. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang có nhiều thay đổi do sự giao lưu và tiếp biến văn hóa, việc nắm bắt được đầy đủ các giá trị của văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam cũng như xu hướng phát triển của gia đình hiện đại sẽ giúp cho công tác vận động quần chúng của người cán bộ văn hóa cơ sở tránh được những cực đoan.

Đưa môn Gia đình vào trường học tuy còn nhiều khó khăn nhưng hy vọng đây chính là “thành trì” đầu tiên, góp phần bảo vệ vững chắc truyền thống văn hóa gia đình trước những tiếp biến văn hoá hiện nay.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam