Chung tay phòng chống bạo hành gia đình

Thống kê của Vụ Gia đình thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho thấy chỉ chín tháng đầu năm 2011 đã có 33.904 vụ bạo hành gia đình, trong đó số vụ với phụ nữ là 12.699 vụ, chỉ xử lý được 1.855 vụ.

Nhiều phụ nữ bị bạo hành gia đình

Theo nghiên cứu quốc gia năm 2010 về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam của Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc từng công bố, cứ ba phụ nữ từng kết hôn thì có một người cho biết đã từng bị bạo lực về thể chất hoặc tình dục do người chồng gây ra. Nếu xem xét hết cả ba hình thức bạo hành trong đời sống vợ chồng – thể xác, tình dục và tinh thần thì có đến 58% phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo lực gia đình kể trên.

Chung tay cam kết chống bạo lực gia đình.

Bạo lực ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và đời sống tinh thần của phụ nữ, gây ra những tác động tiêu cực đối với con cái, gia đình và xã hội. Hơn thế, về lâu dài còn tác động đến sự phát triển của công dân nữ trong tương lai. Phụ nữ thường không tiết lộ điều này vì họ sợ sẽ bị chê trách bởi chính những hành vi bạo lực của chồng.

Trong một khảo sát gần đây tại Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh, bạo lực thân thể xảy ra trong 16% các gia đình, trong đó 10% là các gia đình kinh tế khá giả và 25% các gia đình túng thiếu về kinh tế; bạo lực tình dục (tình dục cưỡng ép) xảy ra ở 18% các gia đình khá giả về kinh tế và 25 gia đình túng thiếu về kinh tế.

Một nghiên cứu gần đây trên 2000 người đã lập gia đình của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy 2% những người trả lời cho biết đã từng bị bạo lực thân thể, 25% cho biết đã bị bạo lực tinh thần trong gia đình và 30% cho biết đã bị cưỡng ép tình dục.

Các số liệu trên phán ánh thực trạng đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình ở một hay vài thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ. Bạo lực gia đình ở Việt Nam vẫn là một vấn đề nhức nhối, cản trở sự phát triển tiến bộ xã hội và đang rất cần sự chung tay góp sức của toàn thể cộng đồng.

Việt Nam nỗ lực chung tay phòng chống các hình thức bạo lực gia đình

Ngày 24-11, đông đảo các bạn trẻ đã có mặt tại Cung Thiếu nhi Hà Nội tham dự hoạt động nghệ thuật Vẽ tranh vòng tròn nhằm truyền đi thông điệp cam kết chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Sự kiện này là một phần của chuỗi các sự kiện sôi động đang diễn ra trên toàn thế giới để kỷ niệm chiến dịch UNiTE 2011 diễn ra đồng thời với Ngày Thế Giới Xóa bỏ bạo lực đối với Phụ nữ 25-11.

Chiến dịch UNiTE do Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon phát động nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ với mục tiêu thu hút sự quan tâm, phòng chống và xóa bỏ mọi hình thức bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới trước năm 2015.

Đây là lần đầu tiên cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam tham gia vào chiến dịch toàn cầu mang tên UNiTE nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, đánh dấu một bước tiến quan trọng cho Việt Nam. Trước đó, từ tháng 9-2009 đến 9-2011, Tổ chức Di cư Quốc tế phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên, Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng đã thực hiện dự án “Bình Minh” – Phụ nữ và nam giới di cư chung tay phòng chống các hình thức bạo lực.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, cán bộ dự án “Bình Minh”, cho biết: “Câu lạc bộ Bình Minh có hơn 100 người chia thành 10 nhóm, trong đó có ba nhóm nam và bảy nhóm nữ. Câu lạc bộ là nơi kết nối những người di cư với nhau để họ hỗ trợ nhau trong cuộc sống, đồng thời tìm hiểu về vấn đề bạo lực giới, bạo lực gia đình và bình đẳng giới”.

Các thành viên được nâng cao nhận thức về giới, biết cách phòng chống bạo lực gia đình. Các thành viên cũng tự giúp đỡ nhau và tuyên truyền cho những người cùng hoàn cảnh, truyền thông trong cộng đồng.

Cô Dương Thị Lượt (42 tuổi, quê Hà Tây) làm nghề gánh gồng ở chợ Long Biên tâm sự: “Chồng tôi nghiện cờ bạc, rượu chè rồi chửi đánh. Chịu không được tôi bỏ lên đây kiếm sống. Đi làm kiếm được đồng tiền, rồi tham gia câu lạc bộ, mang giấy tờ về giải thích cho chồng nên chồng cũng giảm bớt rượu chè, ít đánh đập vợ hơn”.

Cũng không chịu được cảnh chồng đánh đập, chị Hồ Thị Miền (30 tuổi) bỏ quê lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề bán hoa quả rong đã hai năm, bỏ lại đứa con lúc mới ba tuổi. Dù rất nhớ con nhưng nghĩ đến cảnh những lần chồng chửi mắng, đánh đập rồi không cho vào nhà, chị quyết tâm bám trụ lại Hà Nội. “Trước khi chưa tham gia vào Câu lạc bộ, tôi cảm thấy như không có ai có thể chia sẻ nỗi buồn của mình. Nhưng kể từ khi tham gia cùng các chị em khác, được chia sẻ cùng mọi người tôi thấy vui vẻ, phấn chấn hẳn lên, không còn tủi thân nữa”.

Câu lạc bộ còn có ba nhóm nam với hơn 30 người. Những người này chủ yếu sinh sống bằng nghề cửu vạn và xe ôm ở chợ Long Biên. Anh Hoàng Văn Tĩnh (42 tuổi, quê Nam Định) cho biết: “Tôi tham gia câu lạc bộ từ đầu năm đến giờ. Anh em đi trước vận động mình tham gia. Vào đây được học hỏi về bạo lực gia đình, được chia sẻ, nóng giận bớt đi. Mỗi khi nóng lên tôi không còn nói to, không thượng cẳng tay hạ cẳng chân, biết thương vợ và tôn trọng những người xung quanh”.

Khá ngại ngần, anh Đặng Văn Sỹ (46 tuổi, quê Nam Định) chia sẻ: “Chính vợ vận động và xin cho tôi tham gia câu lạc bộ này. Trước kia tôi hay đánh chửi vợ, nói nhiều, bây giờ kiếm chế được năm bảy phần rồi, rồi sẽ thay đổi dần dần nữa. Một phần cũng vì gia đình nghèo, rồi giận mình mà không làm được gì. Lên đây học hành có kiến thức, có hiểu biết nên cũng bớt đi nhiều”.

Vợ anh Sỹ kể: “Quá trình vận động chồng tham gia câu lạc bộ mất rất nhiều công sức, phải mềm mỏng, nói năng mềm mại. Có nhiều ông chồng phản đối lắm, bảo các bà tham gia chỉ để nhảy nhót, vớ va vớ vẩn. May mà chồng tôi cũng chịu nghe vợ”.

Cô cũng cho biết thêm, trước đây các chị em không biết về luật, cũng không biết mình có quyền gì, khi bị chồng đánh cũng chỉ biết cam chịu, nghĩ rằng “một điều nhịn là chín điều lành”. Nhưng kể từ khi học được luật rồi thì chị em không nhịn nữa. Mang luật về cho chồng, giải thích thì các ông chồng cũng nghe ra.

Bây giờ, những lúc giải lao, rảnh rỗi, các anh chị em trong Câu lạc bộ Bình Minh đều làm công việc tuyên truyền cho những người xung quanh mình. Với họ, cuộc sống bỗng “hồi sinh” và như mới bắt đầu.

Nguồn Nhân Dân Online