Chủ động phòng, chống dịch bệnh cây trồng vụ đông - xuân năm 2012

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong thời gian tới tình hình thời tiết sẽ diễn biến theo chiều hướng phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vì vậy ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất vụ lúa đông-xuân năm 2012. Từ thực tế trên, đòi hỏi ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần chuẩn bị tốt để đối phó với tình hình dịch bệnh có thể xảy ra.

(NTO) Ông Phan Quang Thựu, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh cho biết: “Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình hình dịch bệnh diến biến phức tạp. Trước hết, đó là sự ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu, những diễn biến của thời tiết bị đảo lộn khiến sâu bệnh phát triển không còn theo quy luật đã dự tính, dự báo hay trong kinh nghiệm dân gian. Thứ hai do người dân không tuân theo lịch thời vụ gieo trồng nên có quá nhiều trà lúa đan xen cùng một diện tích, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát tán mau chóng của sâu bệnh.”

Nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện sâu bệnh.

Qua theo dõi, Chi cục Bảo vệ Thực vật đã đưa ra những dự báo về tình hình sâu bệnh trên cây trồng vụ đông- xuân để nông dân có phương án chủ động phòng, chống. Theo đó, có khả năng từ đầu vụ rầy nâu sẽ xuất hiện và gây hại, sau đó sẽ diễn biến phức tạp và đến cao điểm vào giai đoạn lúa trổ đòng; nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất là các vùng gieo sạ muộn, không đồng loạt. Ngoài ra, cần lưu ý các loại sâu bệnh khác như: Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, thường xuất hiện ở những vùng đã bị rầy nâu gây hại; bọ trĩ ở vùng ruộng khô, xuất hiện ở trà lúa mới gieo; sâu đục thân và sâu cuốn lá nhỏ ở giai đoạn lúa đẻ nhánh – trổ đòng; bệnh đạo ôn ở ruộng gieo dày, thừa phân đạm; bệnh lép hạt vào giai đoạn lúa trổ đòng - ngậm sữa;…

Theo ông Phan Quang Thựu, phòng, chống có hiệu quả đối với những loại sâu bệnh trên ở cây lúa trong vụ đông- xuân năm 2012, không những ngành chức năng mà cả người dân cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã được khuyến cáo. Theo đó đối với công tác dự báo, duy trì đốt bẫy đèn để theo dõi, giám sát chặt chẽ rầy nâu; tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện những mầm sâu bệnh ngay từ đầu, từ đó sớm thông báo, khuyến cáo cho địa phương và người dân biết. Tập huấn từ đầu vụ cho nông dân về phòng, chống các đối tượng dịch hại, đặc biệt là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, ở những địa phương có nguy cơ và thường xảy ra dịch bệnh. Chủ động công tác chuẩn bị và tổ chức huy động dập dịch kịp thời, không để phát sinh trên diện rộng. Thông báo rộng rãi và kỹ lưỡng lịch gieo trồng (từ 25-11-2011 đến 20-1-2012) và hướng dẫn nông dân thực hiện đúng. Ngoài ra, ngành chức năng cần phối hợp và tuyên truyền vận động nông dân tham gia áp dụng các chương trình, mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất: mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, chương trình “cùng nông dân ra đồng”,… để góp phần hạn chế dịch hại và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Với việc chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, nhất là cây lúa của ngành chức năng sẽ giúp người dân yên tâm hơn khi bước vào sản xuất vụ đông- xuân.