Chính thức “bác” hình thức tố cáo bằng email, điện thoại

Email, điện thoại tố cáo đã ghi nhận trong luật phòng chống tham nhũng nhưng chưa áp dụng phổ biến, việc quản lý còn nhiều khó khăn. Để tiếp tục nghiên cứu, tránh việc lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, Quốc hội thống nhất không công nhận hình thức này trong luật Tố cáo.

Luật Tố cáo được biểu quyết thông qua ngày 11/11, với những giải trình cặn kẽ về lý do chưa quy định hình thức tố cáo qua email, điện thoại, fax vào luật.

Email tố cáo được xem là đủ cơ sở xác minh, bảo đảm nhưng dễ bị lợi dụng, phát tán.

Luật Tố cáo đã được thảo luận nhiều lần, khá cân bằng giữa lý lẽ “chống” và “thuận” về các hình thức tố cáo này. Các ý kiến đề xuất chấp nhận các thức tố cáo này cho rằng thực tế đang tồn tại và cũng để tránh lạc hậu so với sự phát triển của công nghệ.

Tiếp thu, chỉnh lý luật lần cuối trước khi biểu quyết, UB Thường vụ QH phân tích, tố cáo qua điện thoại, Internet đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn chưa được áp dụng phổ biến, việc quản lý còn nhiều khó khăn, bất cập.

Do vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết trước khi cụ thể hóa trong luật nhằm tránh bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ hoặc để phát tán thông tin về việc tố cáo, nhất là trên các trang mạng, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, các hình thức tố cáo này chưa được bổ sung vào luật.

Luật cũng quy định người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ để nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng quyền này để tố cáo sai sự thật, không căn cứ, gây mất đoàn kết nội bộ, gây tốn kém về thời gian và công sức cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết.

Cùng với luật Tố cáo, Quốc hội cũng thông qua luật Khiếu nại, luật Đo lường và luật Lưu trữ trong chiều nay.

Luật Lưu trữ có quy định đáng chú ý là trong vòng 10 năm kể từ năm công việc kết thúc, tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn phải được nộp vào Lưu trữ lịch sử. Tài liệu đóng dấu mật sẽ được giải mật sau 40 năm, đóng dấu tối mật, tuyệt mật là 60 năm kể từ năm công việc kết thúc.

Tài liệu liên quan đến cá nhân - cuộc đời, sự nghiệp của các vĩ nhân, danh nhân, anh hùng dân tộc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ và các cá nhân khác - được sử dụng rộng rãi sau 40 năm kể từ năm cá nhân qua đời. Các trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật trong thời gian dài hơn hoặc vĩnh viễn giao Chính phủ quy định.

Nguồn Báo điện tử Dân trí