Một số kinh nghiệm trong giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở

Ngày 5-4-2006, Sở Tư pháp,Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên-Môi trường và Hội Nông dân tỉnh đã ký Kế hoạch liên tịch số 177/KHLT-STP-TTra-STNMT-HND (Kế hoạch 177) về việc phối hợp thực hiện các biện pháp tăng cường giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở.

(NTO) Qua 5 năm thực hiện (2006-2011), có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

1. Công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở phải được quan tâm từ cấp cơ sở. Phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, kịp thời và được cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện thì mới đạt hiệu quả bền vững.

Lãnh đạo Sở Tư pháp trao giấy khen cho các đội đoạt giải tại Hội thi Tìm hiểu pháp luật
về bảo vệ và phát triển rừng năm 2011. Ảnh: Trần Phương

Chúng ta đều biết, mọi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện đều xảy ra từ cơ sở. Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan đến quyền khiếu nại, tố cáo; những quy định của pháp luật về công tác hòa giải đối với cấp cơ sở là rất cần thiết để nâng cao nhận thức và từng bước hình thành ý thức tuân theo pháp luật trong cộng đồng dân cư. Từ sau khi có Kế hoạch 177, các huyện, thành phố đã tổ chức hơn 358 buổi, với gần 30.000 lượt người dân tham dự; các xã, phường, thị trấn đã sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thiết thực, hiệu quả như việc tổ chức các cuộc thi hái hoa dân chủ; xây dựng tiểu phẩm sân khấu và kịch bản truyền thanh; tuyên truyền thông qua các buổi hòa giải; phổ biến pháp luật thông qua việc đưa các đối tượng ra kiểm điểm trước cộng đồng dân cư… Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng 5 xã điểm thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ngày 9-10-2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân là mô hình thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giải quyết tốt các khiếu kiện tranh chấp tại cơ sở…

Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải được thực hiện kịp thời, phù hợp với nhu cầu thực tế từ cơ sở, đòi hỏi các cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải hệ thống được những văn bản quy phạm pháp luật và cập nhật đúng những nội dung cần thiết để vận dụng nhằm góp phần giải quyết tốt các khiếu kiện, tranh chấp từ cơ sở. Mô hình này đã được 2.391 hòa giải viên của 397 tổ hòa giải ở cơ sở cùng với các tổ chức có liên quan giải quyết trên 4.500 số vụ việc khiếu nại, tố cáo và gần 8.000 vụ việc đã được hòa giải thành. Những quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở đã được chuyển tải thường xuyên, kịp thời, đúng lúc và đạt được kết quả khá tốt, góp phần ổn định trật tự an ninh tại địa phương.

Sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt và kiên trì của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở cũng như những văn bản pháp luật khác là nhân tố quyết định đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật tại cơ sở đã chứng minh rất rõ hiệu quả thiết thực của việc đưa pháp luật vào cuộc sống.

2. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng lực lượng nòng cốt ngày càng thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ (đặc biệt là đối với lực lượng hòa giải viên) là giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở. Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch liên tịch, nhiều mô hình phối hợp trong việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở đã được liên ngành phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện nhiều lớp bồi dưỡng có tính thiết thực, linh động, phong phú với nhiều hình thức, trở thành lực lượng nòng cốt, thường xuyên giải quyết những mâu thuẫn, kịp thời bảo đảm và hạn chế, không để xảy ra “điểm nóng”.

3. Coi trọng đối thoại, công khai, minh bạch, dân chủ trong quá trình thi hành các chính sách pháp luật cũng như giải quyết các khiếu kiện là phương châm, phương pháp tạo được niềm tin trong nhân dân một cách thiết thực “thấu tình, đạt lý” và trong nhiều trường hợp đã tạo sự đồng thuận “chung sức chung lòng” khi giải quyết khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở.

“Đối thoại, công khai, minh bạch, dân chủ” phải được xem là kim chỉ nam, là sợi chỉ hồng xuyên suốt trong cả quá trình vận động người dân thực thi các chính sách pháp luật và trong từng trường hợp khi giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn (đặc biệt là trong việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất)… Nếu thực hiện đúng, đủ những nội dung này thì sức thuyết phục lan tỏa càng sâu rộng và những công việc dẫu có khó khăn cũng sẽ tìm được cách giải quyết đúng pháp luật, phù hợp thực tế và truyền thống đạo đức, phong tục tập quán tại địa phương, cơ sở. Đây là bài học kinh nghiệm có giá trị sâu sắc và thiết thực nhất trong quá trình thực hiện Kế hoạch 177.

4. Kịp thời phát hiện, động viên, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích và từ đó có biện pháp nhân rộng điển hình, đồng thời với việc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những việc làm chưa đúng để bảo đảm các nội dung của Kế hoạch 177 luôn được quan tâm thực hiện từ cấp cơ sở. Nội dung này cần phải được chú trọng và phải có chế độ kiểm tra, đánh giá thường xuyên hoặc đột xuất để tìm đúng những điển hình tốt và xử lý kịp thời những tiêu cực gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách pháp luật trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở…

5. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể có liên quan đến hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng và tác động đến thành công của việc thực hiện Kế hoạch 177. Thực tế trong 5 năm qua, những vụ việc khiếu nại đều đã được giải quyết đạt tỷ lệ cao (Thanh tra tỉnh đã tham mưu giải quyết 1.159/1.216 vụ, đạt tỷ lệ 98%; Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu giải quyết 399/436 vụ, đạt 92%). Một trong những điển hình là các ngành liên tịch đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức hội thi và biên soạn, phát hành Sổ tay công tác về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tham mưu trình Tỉnh ủy ban hành các Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác pháp chế tại địa phương…

Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm, đề nghị nâng tầm từ Kế hoạch liên tịch trở thành Quy chế phối hợp để bảo đảm hành lang pháp lý tương xứng với yêu cầu phát triển của tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay.