Những kinh nghiệm từ giải quyết tồn đọng khen thưởng thành tích kháng chiến ở xã Phước Diêm

Trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Phước Diêm là địa bàn quan trọng cung cấp lương thực phẩm, thuốc men chữa bệnh cho lực lượng cách mạng của huyện, của tỉnh. Cán bộ, nhân dân xã có quá trình đấu tranh anh dũng kiên cường góp phần làm thất bại nhiều âm mưu của địch. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, nhân dân, cán bộ xã Phước Diêm đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ.

(NTO) Thực hiện chính sách khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến và giúp đỡ cách mạng ba thời kỳ, xã Phước Diêm đã có hàng trăm cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến các loại. Trong năm 2011, để giải quyết dứt điểm tồn đọng khen thưởng thành tích kháng chiến theo phương châm không để sót người có thành tích không được Nhà nước khen thưởng,  Đảng uỷ, Chính quyền xã đã thành lập Ban Chỉ đạo gồm đại diện cấp uỷ, UBND, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, thành lập tổ giúp việc Ban Chỉ đạo gồm 5 người và khẩn trương triển khai tới từng thôn, các hộ gia đình làm thủ tục hồ sơ đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến đối với các đối tượng có thành tích chưa kê khai, đã kê khai nhưng xác nhận thành tích chưa đảm bảo thủ tục…

Kết quả toàn xã có 221 hồ sơ, trong đó đề nghị khen thưởng thành tích tham gia chống Mỹ 200 hồ sơ, tham gia chống Pháp 8 hồ sơ và đối tượng liệt sĩ 13 hồ sơ. Qua kiểm tra hồ sơ các đối tượng đề nghị khen thưởng thì đa số là nhân dân tham gia giúp đỡ cách mạng như làm cơ sở liên lạc chuyển giao thư từ, tin tức, nắm tình hình địch hoặc ủng hộ thuốc men chữa bệnh, lương thực phẩm cho cách mạng; số còn lại là du kích mật, du kích thôn…Số hồ sơ tồn đọng chủ yếu là bà con ở thôn Thương Diêm kê khai do thôn này trước đây còn nhiều đối tượng đi làm ăn xa, đi biển dài ngày lúc triển khai chính sách khen thưởng thường không có tại thôn. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là việc xác nhận thành tích chưa phù hợp qui định. Cụ thể: Có 1 cá nhân xác nhận cho 122 hồ sơ (trong đó người xác nhận trực tiếp giao nhiệm vụ 3 hồ sơ, hoạt động cùng đơn vị 3 hồ sơ, biết có tham gia cách mạng 116 hồ sơ), 01 cá nhân xác nhận cho 108 hồ sơ (trong đó người xác nhận trực tiếp giao nhiệm vụ 5 hồ sơ, hoạt động cùng đơn vị 3 hồ sơ, biết có tham gia cách mạng 100 hồ sơ),  một cá nhân xác nhận cho 20 hồ sơ. Trong thực tiễn kháng chiến trước đây, nhất là ở vùng địch chiếm đóng như xã Phước Diêm nhằm bảo đảm an toàn cho cơ sở cách mạng cũng như người tham gia kháng chiến thì các tổ công tác biết nhau trong kháng chiến thường chỉ từ 3 đến 5 người, nhiều trường hợp hoạt động đơn tuyến chỉ có người giao nhiệm vụ là cấp trên trực tiếp mới biết người tham gia cách mạng như cơ sở mật nuôi giấu cán bộ, cơ sở mật nắm tin tức, chuyển giao tài liệu cho cách mạng…Vì vậy, qui định hiện hành của Nhà nước về việc xác nhận cho người tham gia kháng chiến, giúp đỡ cách mạng phải là cấp trên trực tiếp hoặc người cùng công tác thì mới có giá trị để xem xét khen thưởng. Từ thực tế của xã Phước Diêm thì việc xác nhận thành tích của một người cho hàng trăm người khác là không có cơ sở, tính xác thực về thành tích của người được xác nhận không bảo đảm. Số hồ sơ bị trả nhiều phải làm đi làm lại, rất tốn thời gian; số hồ sơ đủ điều kiện xét duyệt đề nghị khen thưởng chiếm tỉ lệ rất ít ảnh hưởng đến kết quả giải quyết khen thưởng và nhất là tâm lý mong chờ sớm có Huân - Huy chương của người có thành tích tham gia kháng chiến và giúp đỡ cách mạng.

Từ thực tế giải quyết tồn đọng khen thưởng kháng chiến ở xã Phước Diêm có thể rút ra được những kinh nghiệm sau: Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện phải bám sát qui trình, tiêu chuẩn qui định hiện hành để giải quyết. Đặc biệt chú trọng khâu tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa chính sách khen thưởng thành tích kháng chiến để nhân dân hiểu và làm đúng. Tổ chức hướng dẫn cách kê khai thành tích, việc xác nhận thành tích và phạm vi của người xác nhận thành tích cho người có thành tích. Tổ chức thẩm định thủ tục hồ sơ trước khi đưa ra Hội đồng xã xét duyệt (loại các hồ sơ chưa đúng thủ tục qui định). Tiến hành xét thông qua từng hồ sơ, có ghi biên bản khái quát thành tích của từng cá nhân, người xác nhận, nội dung xác nhận, tư cách xác nhận. Thông báo niêm yết công khai danh sách người được đề nghị khen thưởng, mức khen tại trụ sở UBND xã, ở thôn và tổ chức họp dân thông báo cho bà con biết kết quả. Một vấn đề hết sức quan trọng là sau khi trình kết quả đề nghị khen thưởng kháng chiến về trên, Đảng uỷ, Chính quyền xã phải có biện pháp giải quyết tốt các vướng mắc trong dân do việc kê khai, xác nhận thành tích nhằm duy trì củng cố quan hệ xóm giềng tốt đẹp, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong nhân dân với chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác khen thưởng thành tích kháng chiến.