Chữa nước ăn chân

Những cơn mưa kéo dài gây ngập úng trên diện rộng khiến nguồn nước dễ nhiễm khuẩn, nhất là ở khu vực bùn lầy. Khi tiếp xúc nhiều với vi khuẩn do lội nước hoặc bùn lầy, nấm sẽ bám dính vào da gây nên bệnh nấm da.

Bệnh nấm da còn gọi là nước ăn chân (theo dân gian) hay nấm kẽ chân (trong y học). Tác nhân chính gây bệnh là các loài virus Trichophyton mentagrophytes, Trichophyton rubrum; thỉnh thoảng do loài Epidermophyton Flocosum.

Bệnh khởi đầu ở giữa kẽ ngón chân thứ ba và thứ tư với các biểu hiện như bong xước, da chuyển màu hơi vàng, chảy dịch, có thể xuất hiện các mụn nước ở kẽ chân; sau đó lan sang các kẽ ngón khác, lên mu bàn chân hoặc lòng bàn chân. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, người bệnh dễ bị nhiễm trùng gây mụn mủ, vảy da, sưng nề bàn chân, sốt, nổi hạch bẹn… gây ngứa ngáy, khó chịu.

Phòng ngừa bệnh bằng cách: Sau khi tiếp xúc với nước bẩn hoặc bùn, bạn phải tắm rửa sạch sẽ, đặc biệt rửa sạch và kỳ cọ kẽ chân, chú ý các nếp da; sau đó phải lau khô bàn chân. Nếu gia đình có người bị nước ăn chân thì cần phải cách ly, không để lây nấm sang người khác. Lưu ý không đi tất, giày, dép chung với người bệnh.

Ở nước ta có nhiều loại cây thuốc thường được dùng để trị nấm da cho kết quả tốt. Người bệnh có thể tự điều trị bằng cách đắp lá muồng trầu giã nát vào sát kẽ chân hoặc bôi vào kẽ chân bằng nước sắc từ rễ cây táo rừng hoặc trầu, rau răm giã nát.

Nguồn www.nld.com.vn