Tôn sư trọng đạo

“Tôn sư trọng đạo” – nét đẹp văn hóa của người Việt đã tồn tại ngàn xưa, nét đẹp ấy nay đang tiếp tục được phát huy và tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Tình cảm thiêng liêng dành cho người thầy luôn tồn tại trong mỗi chúng ta và ngày Nhà giáo Việt Nam chính là dịp quan trọng nhất để thể hiện lòng thành ấy.

(NTO) Người thầy và nghề thầy – trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào cũng được xã hội tôn vinh và kính trọng. Nghề giáo là một nghề cao quý. Đó là một hiện thực không thể phủ nhận. Sự hiểu biết trong nghề “dạy người” là một thứ khoa học và nghệ thuật, cũng như “lương tâm” của nhà giáo là một điều vô cùng quý giá. Quá trình học là quá trình thầy – trò cùng nhau đi tìm kho báu tri thức. Trong cuộc hành trình đẹp đẽ đó, tình cảm ấy của thầy trò cứ lớn dần theo năm tháng. Sự ham học của trò là nguồn cảm hứng bất tận cho người thầy. Và, phía sau vinh quang của học trò luôn có bóng dáng của người thầy.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi trao đổi bài sau tiết học. Ảnh: V.M

Hiện nay, chúng ta đang khuyến khích sự chủ động sáng tạo thì việc nhìn nhận truyền thống tôn sư trọng đạo theo hướng mới cần phải được khuyến khích. Xã hội đòi hỏi người thầy càng cao thì đầu tư cho người thầy phải càng thỏa đáng. Người thầy trong giai đoạn mới không thể cứ mãi là ông lái đò ngang. Thầy quá nghèo, làm sao có thể thổi bùng trong lòng học trò khát vọng làm giàu chính đáng? Chính vì thế, chăm lo cho người thầy và đầu tư thực sự cho đội ngũ nhà giáo là việc làm thường xuyên, liên tục để người thầy có thể sống được bằng nghề và an tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Nghề dạy học là một nghề đặc biệt, một nghề đặc thù. Thầy giáo là người lao động rất cực nhọc và trí tuệ, cần được coi trọng. Bởi người thầy không chỉ truyền dạy kiến thức ở trên lớp, mà còn phải dạy học trò làm người. Người thầy phải luôn là tấm gương mẫu mực về nhân cách, trí tuệ, tâm đức cho học trò noi theo. Vì vậy, nhân cách của người thầy là cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời kinh tế thị trường hiện nay. Nhân cách người thầy không chỉ tác động đến học trò ở trường, mà cả sau khi ra trường, đã trưởng thành, trong suốt cuộc đời. Do đó, quan điểm tôn sư trọng đạo có thể thay đổi theo hoàn cảnh thực tế, nhưng không bao giờ mất, không bao giờ bị phai mờ trong tâm trí, tình cảm của những người đã một thời cắp sách đến trường.

Cô giáo Nguyễn Hạnh Quốc hướng dẫn học sinh lớp 1B tập đọc và viết. Ảnh: Sơn Ngọc

Người thầy giáo không bao giờ được phép coi nhẹ trách nhiệm. Nhưng nếu chỉ truyền đạt kiến thức cho học trò, người thầy mới đạt một nửa trách nhiệm. Người thầy còn phải góp phần hoàn thiện nhân cách cho học trò, hoàn thiện nhân cách cho các thế hệ tương lai. Tất nhiên không ảo tưởng vai trò của người thầy là tất cả. Lớp trẻ ngày nay có thể tiếp cận thông tin tri thức từ nhiều nguồn, ngoài nhà trường. Nhưng khi nào còn con người, còn môi trường thì còn cần người thầy. Học trò học được từ người thầy không chỉ kiến thức sách vở, mà còn học được nhân cách người thầy.

Đúng là ngành giáo dục thời gian qua còn lúng túng, chưa quyết liệt trong việc sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo. Các thầy, cô giáo còn yếu kém về chuyên môn và cần phải đào tạo lại. Vai trò của nhà trường sư phạm hiện nay không phải chỉ đào tạo một đội ngũ giáo viên, mà phải có trách nhiệm tham gia đào tạo lại những thầy giáo chưa đạt chuẩn nghiệp vụ sư phạm. Người nào đã qua đào tạo lại mà vẫn không đạt thì nên chuyển làm việc khác. Không nên để người thầy “đứng nhầm chỗ”! Đối với những nhà giáo kém phẩm chất đạo đức, nhân cách, cần kiên quyết sa thải. Giáo dục không phải chỗ đứng của họ. Việc này cần sự chia sẻ của cả xã hội chứ riêng ngành giáo dục sẽ không thể làm hết được.