Rất cần sự đồng bộ !

Thường thì việc gì cũng vậy, một khi được triển khai, thực hiện đều nhịp nhàng, đồng bộ giữa các ngành, đơn vị… thì tất yếu mang đến hiệu quả cao. Còn nếu như thiếu đồng bộ thì sẽ dẫn đến phiến diện thậm chí còn “chông chênh” !. Việc nhỏ thì tác động nhỏ còn như việc lớn thì tác động đối với xã hội sẽ ở mức cao hơn…

(NTO) Vừa qua, chỉ sau một số ngày mưa là đã có nhiều đoạn đường giao thông ở các phường trong thành phố Phan Rang-Tháp Chàm bị ngập nước nhiều ngày, thậm chí có đoạn đường “biến thành ao” mà phải mất ít nhất cả tuần lễ sau mới “rút” hết nước nhờ… trời nắng làm bốc hơi!.

Thực tế này không phải mới diễn ra mà gần như lưu cửu từ “mùa mưa” năm này đến “mùa mưa” năm khác. Nguyên nhân từ đâu?, dễ hiểu là do không có hệ thống thoát nước và cũng vì đây là những đoạn đường trũng nên nước mưa dồn về. Mặt khác, nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng gây ra tình trạng này là trong quá trình phát triển đô thị, nhiều con đường mới được xây dựng nhưng có lẽ khi thiết kế “nhà” thiết kế không tính đến việc kết nối “hài hòa” với các con đường chung quanh nên thường đường mới cốt đường cao hơn đường cũ ! Vậy là hậu quả đem đến: đường mới thành “đê” nên khi mưa không biết thoát nước ở đâu dẫn đến ngập. Không chỉ có vậy, việc các địa phương thực hiện bê-tông hóa đường nội phường cũng mỗi nơi làm một kiểu. Và có lẽ để cho nhanh, gọn đơn vị thi công làm theo thiết kế mẫu thường lấy nền đường cũ tiếp tục nâng lên mà không tính đến việc có cao hơn “mặt bằng” chung quanh không, sát thực tế hơn là có cao hơn nhà dân hai bên đường không ! Cho nên khi đường làm xong là phấn khởi nhưng khi mưa là nước ngập nhà dân mà không có lối thoát. Đúng là “lợi bất cập hại”. Hay như trên đường 21 Tháng 8, đoạn ngã ba Công Thành, trước khi bê-tông hóa các đường hẻm thì mưa có chỗ thoát nhưng sau khi hoàn thành bê-tông hóa thì đường hẻm xương cá cao hơn quốc lộ vậy là “nước về chỗ trũng” hễ có mưa là ngập!...

Có thể thấy còn nhiều việc không đồng bộ khác trong thực tế cuộc sống mà nguyên nhân sâu xa là quy hoạch tổng thể thì có nhưng khi các ngành cụ thể hóa quy hoạch trong phạm vi ngành thì “mạnh ai nấy làm”, thậm chí cùng ngành nhưng đơn vị này với đơn vị khác cũng thiếu “bắt tay” nhau để thực hiện. Tất nhiên là có yếu tố khách quan tác động, nhưng nếu có tâm, có tầm, có trách nhiệm đầy đủ với xã hội thì yêu cầu “đồng bộ” trong công việc sẽ được thực hiện tốt.

Từ thực tế đã qua, nhìn về tương lai, mong sao hai chữ “đồng bộ” sẽ được quan tâm đúng mức !