Tọa đàm khoa học “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”

Ngày 01/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông và Tổng cục dạy nghề tổ chức Tọa đàm khoa học “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” nhằm tìm giải pháp thiết thực, góp phần vào việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tham luận tại Tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, nền giáo dục nước ta hiện đang đứng trước cả thách thức và cơ hội. Vấn đề đặt ra là làm sao tận dụng được những cơ hội, vượt qua được những thách thức để đáp ứng những đòi hỏi mang tính lịch sử của đất nước?

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: VL)

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra chủ trương “Đổi mới căn bản, tòan diện giáo dục và đào tạo”. Để thực hiện chủ trương đó đòi hỏi phải đổi mới về tư duy, triết lý giáo dục, đổi mới cơ chế quản lý‎, đánh giá và đổi mới cơ cấu đầu tư.

Phát biểu tại Tọa đàm, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: trong bối cảnh tòan cầu hóa, cạnh tranh giữa các nước về nhiều mặt song suy cho cùng đó chính là sự cạnh tranh về giáo dục, về con người. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, muốn phát triển một đất nước phải đi lên từ giáo dục. Thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục là một công trình lớn của quốc gia, xem đây như là một cuộc cách mạng. Yêu cầu đổi mới là cấp thiết, phải khẩn trương nhưng bài bản và cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, có sự chung tay góp sức của tất cả mọi người, có sự đồng thuận của xã hội.

Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị, cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa để xây dựng những mục tiêu cụ thể, phải có điểm nhấn, có trọng tâm đồng thời cần thiết phải thành lập một tổ chức làm nhiệm vụ xây dựng đề án và triển khai đề án tổng thể về đổi mới căn bản, tòan diện nền giáo dục. “Khi đã có nhận thức đúng, tư duy đúng thì vấn đề đặt ra là việc triển khai thực hiện như thế nào, đó mới là vấn đề quan trọng”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.

Đặc biệt, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp thì vấn đề xây dựng nhân cách con người là rất quan trọng. Giáo dục nhân cách không chỉ dừng lại ở bậc phổ thông mà phải ở tất cả các cấp học.

Phát biểu tại Tọa đàm GS. Trần Quốc Toản - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã cho rằng, trong những thập kỷ qua, nền giáo dục Việt Nam có những bước phát triển, có những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước. Nhưng đồng thời nền giáo dục đang ẩn chứa rất nhiều yếu kém, bất cập. Thực tế đang đặt ra những yêu cầu, những nội dung rất mới, rất cao về nguồn lực con người, với những giá trị xã hội mới, tiêu chí mới về phẩm chất và năng lực của mỗi người và cả cộng đồng. Điều đó tất yếu đặt ra những yêu cầu mới về nhận thức, quan điểm, mục tiêu, cơ chế phát triển giáo dục, về nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục, đòi hỏi phải đổi mới căn bản, tòan diện nền giáo dục của đất nước.

GS. Trần Quốc Toản cho rằng, đổi mới ở đây không phải là những sửa đổi, điều chỉnh nhỏ, đơn lẻ, cục bộ mang tính bề mặt. Đổi mới căn bản được hiểu là đổi mới những vấn đề cốt lõi nhất để làm thay đổi và nâng cao về chất của hệ thống giáo dục, nhằm đáp ứng với đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn mới. Quá trình đổi mới phải được triển khai thống nhất, đồng bộ, có bước đi phù hợp với những ưu tiên xác định.

Cũng theo GS. Trần Quốc Toản, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải tổ chức nghiên cứu xây dựng cho được một Đề án tổng thể về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục cho giai đoạn 10 năm 2011-2020. Đề án phải nêu lên được quan điểm chỉ đạo, mục tiêu khung, nội dung và các nhiệm vụ chủ yếu, lộ trình nghiên cứu và triển khai thực hiện, nguồn lực để thực hiện… Sau khi Đề án được phê duyệt mới chỉ đạo triển khai cụ thể các nội dung, nhiệm vụ.

GS.TSKH Vũ Ngọc Hải – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông bày tỏ: Đổi mới căn bản, tòan diện và đồng bộ giáo dục thực chất là tiến hành công cuộc cải cách giáo dục, là tiếp tục đổi mới triệt để từ tư duy, nhận thức đến hành động trong mọi hoạt động giáo dục mà trước hết về quản ‎lý giáo dục thì đổi mới quản lý nhà nước giữ vị trí quan trọng có tính then chốt, là nền tảng có tính động lực để tạo cách nhìn mới, cách nghĩ mới, cách làm mới về giáo dục; không bảo thủ, không giáo điều để thật sự đưa giáo dục phát triển lên tầm cao mới, chủ động thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, cũng như nhiều đại biểu tham dự Tọa đàm, ông cho rằng, cần phải tiến hành tích cực, khẩn trương, bài bản nhưng không nóng vội, phải có bước đi phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội; phải làm quyết liệt, nếu chần chừ, làm cầm chừng, do dự, hoặc vội vã cũng là đánh mất thời cơ và ngược lại sẽ còn tạo thêm cơ hội cho những khuyết điểm, bất cập trong giáo dục tiếp tục có điều kiện sinh sôi nảy nở. Ông cũng khẳng định, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra là cơ hội vàng, chìa khóa vàng, cơ hội có một không hai trong 10 năm tới và tương lai để giáo dục nước ta phát triển bền vững trên tầm cao mới.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cũng thảo luận nhiều vấn đề quan trọng khác của nội hàm đổi mới căn bản giáo dục như: Về nội dung và phương pháp dạy học, về cơ cấu hệ thống giáo dục, về các chính sách đối với nhà giáo…

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam