Tiếp tục quán triệt tinh thần Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục đại học

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến sơ kết việc triển khai Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 của Thủ tướng Chính phủ và tổng kết năm học 2010 – 2011 khối các trường ĐH, CĐ diễn ra ngày 29/10.

Chỉ thị 296 giúp tạo chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo

Gần 2 năm thực hiện Chỉ thị 296 và Nghị quyết số 05 của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2010-2012, ngành ĐH đã nỗ lực huy động các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, lấy đổi mới quản lý làm khâu đột phá để nâng cao chất lượng GDĐH.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Chinhphu.vn

Chỉ thị 296 đi vào cuộc sống và bước đầu tạo chuyển biến trong nhận thức lãnh đạo các cơ sở GDĐH về tầm quan trọng của việc đổi mới quản lý trong nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay có 344 trường ĐH, CĐ thành lập Ban chỉ đạo đổi mới công tác quản lý giai đoạn 2010-2012 (đạt tỷ lệ 83,9%); 270 trường ĐH, CĐ xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo (65,2%); 294 trường ĐH, CĐ xây dựng cam kết chất lượng đào tạo (71%).

Bộ đã ban hành các văn bản quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trong GDĐH, động thái thể hiện sự kiên quyết trong việc đổi mới quản lý, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở, tách bạch công tác chuyên môn và công tác quản lý nhà nước về GDĐT.

Các địa phương, các trường đã chấp hành nghiêm túc và thực hiện đúng các quy định mở ngành mới góp phần đáng kể trong nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiện cả nước có 35 Chương trình tiên tiến triển khai tại 23 trường ĐH với 3.620 sinh viên. Năm 2010 – 2011, các trường đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo của trường, gắn đào tạo với thực tiễn xã hội; chú trọng thực hiện công tác cải tiến và nâng cao chất lượng dựa trên kết quả tự đánh giá.

Tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các trường ĐH đều cho rằng, qua gần 2 năm thực hiện Chỉ thị 296 đã tạo ra sự thông thoáng, sự chủ động hơn cho các cơ sở GDĐH về xây dựng chương trình, nguồn lực, quy mô đào tạo.

Bộ GD&ĐT đã giao các cơ sở đào tạo tiến sỹ trực tiếp thực hiện toàn bộ quá trình đào tạo; giao các cơ sở GDĐT trực tiếp kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế mở ngành, tự thẩm định chương trình đào tạo, tự chịu trách nhiệm toàn diện trong tất cả các khâu của công tác tuyển sinh.

Việc đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH, CĐ đã tạo không khí mới để các trường phát triển mạnh mẽ hơn, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, ông Đặng Kim Vui cho biết như vậy.

Ông Hoàng Văn Cẩn, Phó Hiệu trường Trường ĐHSP TP.HCM cho rằng, Chỉ thị 296 đã tạo điều kiện và trở thành động lực để giúp các trường mạnh dạn, tự tin tiến hành các biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng GDĐT.

Phát triển quy mô GDĐH phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo

Phát biểu tại hội nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh cần tiếp tục quán triệt tinh thần của Chỉ thị 296, đó là phát triển quy mô GDĐH phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo, kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo.

Đồng thời coi việc đổi mới quản lý GDĐH và quản lý các cơ sở GDĐT là khâu đột phá để tạo ra đổi mới toàn diện GDĐH.

Theo Phó Thủ tướng, đây cũng là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhất là công tác giám sát việc thành lập các trường ĐH mới.

Phó Thủ tướng cho biết, từ năm 2006 – 2007 có 39 trường ĐH được thành lập, trong đó có 16 trường thành lập mới (bình quân thành lập 20 trường/năm); từ năm 2008 đến nay có 45 trường được thành lập, (bình quân thành lập 11 trường/năm). Như vậy, mức độ thành lập mới các trường giảm đi gần một nửa.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến đổi mới hoạt động GD là phải đổi mới hoạt động sư phạm. Các cơ sở GDĐH phải là nơi có môi trường sư phạm thể hiện sự trung thực, kỷ cương, khách quan, công bằng, sáng tạo.

“Phải có cơ chế giám sát, đẩy mạnh kiểm định chất lượng GDĐH. Tiếng nói của giáo viên, sinh viên phải được lãnh đạo nhà trường lắng nghe, đây chính là nguyên tắc dân chủ cơ sở”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị các trường thực hiện 4 nội dung cụ thể. Đó là tiếp tục phần đấu hoàn thành những nội dung của Chỉ thị 296; thứ hai là cần thảo luận chuyên đề trong toàn ngành liên quan đến vấn đề thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia gắn với tuyển sinh của toàn ngành và các trường.

Thứ ba là triển khai thí điểm từng bước thực hiện dân chủ cơ sở: sinh viên tham gia đánh giá giáo viên, giáo viên đánh giá lãnh đạo nhà trường, các Sở GD&ĐT, các trường ĐH đánh giá hoạt động của Bộ GD&ĐT.

Cuối cùng là chuẩn bị tích cực các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật GDĐH.

Nguồn www.chinhphu.vn