Quốc hội đánh giá việc thực hiện ngân sách Nhà nước

Chiều bgày 20-10, Quốc hội họp phiên toàn thể đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012.

Đánh giá chung về tình hình thu NSNN năm 2011, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cơ cấu thu NSNN đã có sự chuyển biến tích cực. Về số thu ngân sách Trung ương năm 2011, Chính phủ ước tăng 54.000 tỷ đồng. Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ xây dựng phương án sử dụng số tiền này hàng năm theo nguyên tắc ưu tiên giảm bội chi, tăng trả nợ, tăng dự trữ tài chính, bố trí thưởng vượt thu hợp lý cho các địa phương, còn lại mới dành cho nhiệm vụ chi khác, trong đó có việc cải cách tiền lương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển
phát biểu trong phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Về chi cho cải cách tiền lương trong năm 2012, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đồng ý với Chính phủ việc tăng lương tối thiểu lên mức 1,050 triệu đồng và phụ cấp công vụ ở mức 25%. Tuy nhiên Chính phủ cần tách bạch công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương cho phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trong quá trình thẩm tra việc thực hiện NSNN năm 2011, Chính phủ đã tiếp thu và điều chỉnh ước thu NSNN năm 2011 từ 669.500 tỷ đồng lên 674.500 tỷ đồng (tăng 5.000 tỷ đồng).

Theo ông Phùng Quốc Hiển, vẫn có thể khai thác nguồn thu từ đất đai, kinh doanh bất động sản, từ khai thác tài nguyên khoáng sản, tăng cường quản lý thu thuế và truy thu nợ đọng.

Về cân đối xuất nhập khẩu, số thu XNK có thể tăng hơn so với dự toán (dự kiến là tăng 3,8%) do mức nhập siêu năm 2011 có thể cao hơn Chính phủ dự kiến (10,5%), việc tiếp tục chống gian lận thương mại, chống thất thu trong XNK cũng sẽ làm tăng thu trong XNK.

Trong dự toán NSNN năm 2012, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, tuân thủ nghiêm Luật NSNN; đồng thời cơ cấu lại chi NSNN, trọng tâm là cơ cấu lại chi đầu tư phát triển, bảo đảm việc bố trí, phân bổ có trọng tâm, chống dàn trải mà trước hết là chi cho an sinh xã hội rồi mới giảm dần cho các lĩnh vực khác. Dự toán NSNN cũng cần được xác định dựa trên hiệu quả kinh tế đầu ra, gắn với cải cách hành chính, tinh giảm bộ máy, nâng cao năng suất lao động; quản lý chặt chẽ cho vay và trả nợ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Nguồn www.chinhphu.vn