KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN (23/10/1961 - 23/10/2011)

Đặng Văn Thanh: Anh hùng đầu tiên của đoàn tàu không số

Trong những ngày này, cả nước đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011)- Ngày truyền thống của Đoàn tàu không số. Có dịp nghiên cứu các tài liệu, hồ sơ lưu trữ và gặp gỡ một số cựu chiến binh, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp những câu chuyện cảm động về Anh hùng Đặng Văn Thanh, người con ưu tú của quê hương Ninh Thuận, người anh hùng đầu tiên của đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

(NTO) Từ đứa trẻ mồ côi, không biết chữ…

Anh hùng Đặng Văn Thanh (ảnh), sinh năm 1928, quê ở xã Phước Diêm, Thuận Nam, Ninh Thuận. Mồ côi cha lẫn mẹ từ nhỏ, 8 tuổi đã phải làm nghề lặn biển, bắt cá kiếm kế sinh nhai. Cách mạng Tháng Tám thành công đã làm thay đổi cuộc đời ông, đưa ông trở thành người chiến sĩ cách mạng. Mang theo tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng căm thù giặc sâu sắc, năm 1947, tròn 19 tuổi ông tham gia quân đội, trực tiếp chiến đấu chống thực dân Pháp ở vùng Nam Trung Bộ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ông được lệnh không đi tập kết như các đồng chí khác mà ở lại nằm vùng hoạt động.

Đầu năm 1961 ông được Khu ủy điều ra Bắc với nhiệm vụ được giao: “Khu ủy quyết định đồng chí phải ra Bắc nghỉ một thời gian, chữa bệnh, học hành, cách mạng còn dài, đồng chí cứ đi rồi sẽ trở về phục vụ. Khu ủy giao cho đồng chí cái phong bì này, phải giữ thật kỹ, trường hợp bất trắc nhất thiết không thể để rơi vào tay giặc, dù nguy hiểm thế nào cùng phải thủ tiêu trước khi ngã xuống. Ra đến Hà Nội chỉ được giao cho một người đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp…”

Cuối năm 1961, sau gần 8 tháng vượt Trường Sơn, đến Quảng Bình ông được xe đón thẳng về Hà Nội. Thời gian sau ông được tổ chức bố trí cho gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi nhận bức thư Khu ủy gửi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa cho Đặng Văn Thanh cây bút, tấm bản đồ và yêu cầu ông báo cáo cụ thể về tình hình nhân dân, hoạt động của địch, nhất là tình hình ven biển từ Khánh Hòa vào tới Mũi Đèn. Tay cầm cây bút, đứng bỡ ngỡ trước tấm bản đồ hồi lâu, mắt quay chỗ khác, không dám nhìn Đại tướng, mãi lâu sau ông mới ấp úng thú thật: “Báo cáo Đại tướng… Tôi không biết chữ”. Đại tướng lặng đi hồi lâu rồi ông cầm lấy cây bút chì, kéo Thanh lại gần và nói: Bây giờ tôi sẽ chỉ từng chỗ trên bản đồ và đồng chí hãy kể cho tôi biết rõ tình hình cụ thể từng nơi. Đây là đường số 1, đây là Phan Rang, đây là Phan Thiết, đây là Mũi Đèn, đây là Cà Ná… Cuối buổi hôm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ôm Anh hùng Đặng Văn Thanh rất chặt và giao cho ông hai nhiệm vụ: Một là chữa bệnh, bồi dưỡng sức khỏe; hai là phải đi học.

…Đến Chính trị viên- Anh hùng LLVT

Anh hùng Đặng Văn Thanh quyết tâm đi học. Sau 3 tháng biết đọc, biết viết, ông được chuyển sang học hàng hải và trở thành Chính trị viên của Đoàn tàu không số. Cuộc đời làm Chính trị viên của Đoàn tàu không số, bao nhiêu năm ngang dọc biển Đông, Anh hùng Đặng Văn Thanh và đồng đội đã lập nên bao kỳ tích, có những sự kiện hoàn toàn sự thật mà nghe như huyền thoại. Đêm 26-9-1963, Tàu 41 do Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, Đặng Văn Thanh làm Chính trị viên cùng 11 thủy thủ nhận nhiệm vụ vận chuyển 18 tấn vũ khí tại cảng Bính Động (Hải Phòng) đột phá mở đường mới vào bến Bà Rịa, cung cấp vũ khí cho chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Để giữ bí mật, tàu phải đi trong mưa bão để tránh tàu tuần tiễu, tuần tra của địch. Khi tới đảo Phú Quý thì tàu bất ngờ chuyển hướng vào bến. Khó khăn lúc này là tàu chưa bắt được liên lạc với ban phụ trách bến theo kế hoạch. Trời sắp sáng, thủy triều bắt đầu xuống, trên đường vào bến tàu bị mắc cạn gần đồn Phước Hải của địch, lại đúng lúc chúng đang càn quét ở vùng này. Để giữ bí mật lâu dài, ban phụ trách bến yêu cầu cho phá hủy tàu ngay trong đêm. Anh hùng Đặng văn Thanh cùng cán bộ, chiến sĩ tàu 41 đã phân tích tình hình, cân nhắc thiệt hơn, sau đó cùng lực lượng trên bến đã nhanh chóng bốc dỡ vũ khí đưa vào bờ. Nhưng vũ khí chưa bốc hết thì trời đã sáng nên đành dừng lại. Toàn bộ thủy thủ tàu phải lên bờ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vũ khí, riêng Chính trị viên Đặng Văn Thanh và Thợ máy Huỳnh Văn Sao ở lại sẵn sàng phá hủy tàu khi cần thiết. Trước sự dòm ngó của máy bay trinh sát địch, Đặng Văn Thanh bình tĩnh, ung dung mang lưới ra vá và ngồi uống rượu, “thi gan” cùng với chúng. Đến 14 giờ trong ngày, thủy triều lên, tàu nổi dần, hai người cho nổ máy ra khỏi bãi cạn. 17 giờ, Tàu 41 lẫn vào tàu đánh cá của ngư dân vào bến. Số vũ khí trên tàu đã được bốc hết lên bờ và ngay trong đêm hôm đó Tàu 41 lại ra khơi trở lại miền Bắc với những chuyến hàng tiếp theo.

Anh hùng Đặng Văn Thanh đã nêu một tấm gương sáng ngời về sự bình tĩnh, mưu trí, gan dạ và linh hoạt trong xử lý tình huống trước kẻ thù. Sự kiện này cùng với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 1-1-1967, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Chính trị viên Đặng Văn Thanh. Ông đã trở thành người anh hùng đầu tiên của Đoàn tàu không số trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển…

Nước nhà thống nhất, Anh hùng Đặng Văn Thanh trở về quê hương, sống cuộc đời bình dị và ông mất năm 2003. Thời gian trôi qua, huyền thoại về con đường Hồ Chí Minh trên biển, về Đoàn tàu không số và những người anh hùng của Đoàn tàu không số vẫn mãi mãi sáng ngời, tô thắm thêm truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, tiếp thêm sức mạnh cho mọi thế hệ phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.