Cảnh báo nguy cơ cạn kiệt gỗ rừng ở châu Á

Một báo cáo mới do Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp Khoa học Liên bang (CSIRO) tại Ôxtrâylia và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phối hợp thực hiện đã dự báo hậu quả đáng lo ngại đối với tương lai của các khu rừng châu Á.

Theo đó, nếu việc khai thác gỗ tiếp tục gia tăng, khu vực châu Á sẽ cạn kiện gỗ rừng trong vòng chưa đầy 30 năm tới. Giáo sư Stivơ Kin (Steve Keen) từ CSIRO cho biết cần giảm 80% lượng khai thác và sử dụng gỗ tại châu Á để có thể duy trì tài nguyên rừng bền vững. Ông Kin cảnh báo đến năm 2038, nếu xu hướng sử dụng hiện nay vẫn tiếp diễn, nguồn cung gỗ ở châu Á sẽ biến mất. Giáo sư Ađriát Xlôenhát (Adreas Schloenhardt), chuyên gia pháp luật tại Đại học Quinxlen (Queensland), nhận định tình trạng thiếu hụt nguồn cung là nguyên nhân dẫn tới nạn khai thác gỗ lậu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ở một số nơi, trong đó có Ôxtrâylia và Trung Quốc, chính phủ đã cố gắng ngăn chặn khai thác gỗ bừa bãi bằng cách đặt một số vùng rừng rộng lớn dưới sự bảo vệ đặc biệt.

Các chương trình tái sinh rừng quy mô lớn này đã giúp giảm tỷ lệ phá rừng. Tuy nhiên, mặt trái của biện pháp này là việc khai thác gỗ chuyển sang các khu vực khác, đặc biệt là các nước láng giềng không có quy định về bảo vệ môi trường tương tự. Giáo sư Xlôenhát cũng đề cập một số phương án đối phó với mối đe dọa này, trong đó có chiều hướng tại Inđônêxia chuyển sang hệ thống cung cấp gỗ từ đồn điền, một nguồn tài nguyên ổn định tuy sản lượng thấp hơn.