Thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước gặp khó khăn

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng có nhiều nỗ lực, tích cực tuyên truyền, vận động đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp (DN).

(NTO) Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện Nghị định 96/2006/NĐ-CP của Chính phủ về “Hướng dẫn thi hành Điều 153 Bộ Luật Lao động về Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời tại DN”, kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Vừa qua, Ban chỉ đạo 96 của Tỉnh ủy cũng đã tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định 96 tại 10 DN. Kết quả cho thấy, nhiều DN vẫn còn thờ ơ với công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn.

Công nhân Công ty Cổ phần XD-TM Hoàng Nhân trong giờ sản xuất.

Chủ doanh nghiệp không quan tâm

Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 1.400 DN đăng ký hoạt động kinh doanh, với gần 20.200 lao động (chưa kể đến các DN Trung ương đóng trên địa bàn), nhưng chỉ có 108 DN có tổ chức công đoàn. Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, hiện nay, còn 33 DN có trên 20 lao động làm việc ổn định, hoàn toàn đủ điều kiện nhưng vẫn chưa thành lập tổ chức công đoàn.

Khó khăn lớn nhất trong việc thành lập tổ chức công đoàn là nhiều chủ DN chưa nhận thức tầm quan trọng của tổ chức công đoàn đối với sự phát triển của đơn vị, cho rằng việc thành lập tổ chức công đoàn sẽ làm mất thời gian, tốn nhân lực, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, lại tốn tiền vì phải đóng công đoàn phí 1% tổng quỹ lương của DN. Chính vì vậy, khi các ngành chức năng tuyên truyền, vận động, nhiều DN viện ra nhiều lý do như lao động không ổn định, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hoặc không có người đủ năng lực để đảm nhận trách nhiệm công đoàn… nhằm cố tình kéo dài thời gian hoặc né tránh thành lập tổ chức công đoàn ở đơn vị mình. Công ty Cổ phần Chăn nuôi Việt Nam tại Ninh Thuận là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài, hiện có 208 lao động là người địa phương và 20 lao động người nước ngoài. Mặc dù đi vào hoạt động đã nhiều năm, tình hình sản xuất kinh doanh nhìn chung phát triển tốt, nhưng đến nay đơn vị vẫn chưa thành lập tổ chức công đoàn. Khi Ban chỉ đạo 96 đến làm việc, yêu cầu ngay trong quý IV năm 2011, DN phải nhanh chóng thành lập tổ chức công đoàn, thực hiện đúng quy định pháp luật, thì chủ DN lại hứa phải sang quý I năm 2012 mới có thể trả lời yêu cầu của đoàn! Còn đối với DN Tư nhân Muối Khánh Tường, đây là đơn vị được UBND tỉnh chỉ đạo là đơn vị điểm thành lập tổ chức công đoàn trong năm 2007, nhưng đến nay đơn vị vẫn chưa thành lập. Ban chỉ đạo 96 đã gửi trước công văn, ghi rõ thời gian đoàn đến kiểm tra, tuyên truyền, vận động, nhưng khi đoàn đến, chủ DN lại viện lý do bận công việc không thể tiếp đoàn…

Nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến số DN có tổ chức công đoàn đạt tỷ lệ thấp, đó là hiện nay có đến 80% DN trên địa bàn tỉnh hoạt động với quy mô vừa và nhỏ, có dưới 10 lao động. Tuy nhiên, có một tình trạng khá phổ biến là nhiều DN mặc dù có đông lao động, nhưng chỉ thực hiện ký kết hợp đồng lao động với một số nhân viên chủ chốt như kế toán, trợ lý giám đốc… còn các lao động phổ thông thì chỉ ký kết hợp đồng ngắn hạn, dưới 3 tháng, theo thời vụ hoặc thậm chí không thực hiện ký kết hợp đồng lao động. Đây cũng là cách để DN “né” luật, không phải thành lập tổ chức công đoàn, lại khỏi phải đóng một khoản tiền lớn thực hiện các chế độ như: BHXH, BHYT… cho người lao động. Trong khi chủ DN luôn tìm cách né tránh, chính quyền các cấp, các ngành chức năng lại chưa có biện pháp chế tài xử lý nghiêm khắc. Kết quả là nhiều DN hoạt động nhiều năm, có đầy đủ điều kiện vẫn không thành lập tổ chức công đoàn, và người chịu thiệt thòi nhất không ai khác chính là người lao động.

Người lao động chưa “mặn mà”

Thành lập tổ chức công đoàn vốn đã khó, tuy nhiên, để thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn lại là một vấn đề đối với công đoàn cơ sở. Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận có gần 800 lao động, nhưng chỉ có 136 người vào tổ chức công đoàn. Còn tại Công ty TNHH MTV Xi măng Luks có 175 lao động, tháng 7-2011, đơn vị tiến hành thành lập Ban chấp hành lâm thời, nhưng đến nay vẫn chưa có đoàn viên nào được kết nạp. Qua tìm hiểu, được biết, phần lớn lao động không tham gia vào tổ chức công đoàn là lao động phổ thông, sự hiểu biết, nhận thức về tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế, việc làm không ổn định. Khi tổ chức CĐCS đặt vấn đề, vận động tham gia vào tổ chức công đoàn, nhiều người đã từ chối vì cho rằng hàng tháng phải mất 1% công đoàn phí trên tổng số lương!... Ngoài lý do về phía người lao động, cũng phải thừa nhận rằng nhiều CĐCS chưa thực sự phát huy tốt vai trò, trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, chăm lo tốt cho người lao động nên chưa thu hút người lao động tham gia.

Cùng với sự phát triển KT-XH chung của tỉnh, số DN cũng như lực lượng lao động ngày càng tăng lên. Chính vì vậy, việc thành lập tổ chức công đoàn, phát triển đoàn viên công đoàn trong các DN càng phải được các cấp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm hơn nữa, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, góp phần ổn định lực lượng lao động, tạo sự phát triển bền vững của DN nói riêng và tỉnh nhà nói chung.

Đồng chí Trần Ngọc Luận, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh:

Mục tiêu của LĐLĐ tỉnh đến năm 2013 có ít nhất 80% DN khu vực ngoài Nhà nước có đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn, nâng tỷ lệ đoàn viên đạt trên 75% trên tổng số công nhân lao động. Để thực hiện mục tiêu này, LĐLĐ tỉnh mong muốn Ban chỉ đạo 96 cần quan tâm, tích cực hơn nữa trong công tác chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền phối hợp cùng LĐLĐ tỉnh thực hiện tốt từ khâu kiểm tra, khảo sát nắm vững tình hình hoạt động của các DN, cho đến công tác tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các CĐCS hoạt động tốt và có các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp cố tình vi phạm, nhằm nâng cao nhận thức, thuyết phục các chủ DN, người lao động tham gia xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn .



 
Ông Phạm Đình Sum, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn- Thiết kế & Xây dựng ADC:

Trên cương vị là chủ DN, nhiều năm qua, tôi nhận thấy tổ chức công đoàn của đơn vị luôn là cánh tay đắc lực, gánh vác một phần trách nhiệm giúp đơn vị thực hiện tốt các chế độ, chính sách, chăm lo đời sống cho người lao động, đặc biệt là tập hợp sức mạnh đoàn kết, thúc đẩy các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong đội ngũ CB-NV, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, đưa DN ngày càng phát triển. Vì thế, ban lãnh đạo xác định luôn tạo mọi điều kiện cơ sở vật chất, hỗ trợ thêm về kinh phí để giúp tổ chức CĐCS ngày càng phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động.




 
Chị Trần Thị Niêm, nhân viên Khách sạn Phong Lan:

Muốn thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn, trước hết tổ chức công đoàn phải thực sự mang lại lợi ích thiết thân, là chỗ dựa vững chắc cho người lao động. Trên thực tế, người lao động làm việc tại các DN khu vực ngoài Nhà nước thường dễ bị xâm phạm quyền lợi hơn so với người lao động ở các thành phần kinh tế, khu vực khác, đặc biệt là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy đòi hỏi những cán bộ công đoàn phải là những người năng động, nhiệt tình, có bản lĩnh, biết quan tâm đến lợi ích đoàn viên công đoàn. Nếu làm tốt điều này, tôi tin chắc rằng, việc phát triển công đoàn tại các DN khu vực ngoài Nhà nước sẽ có sức lan toả lớn, thu hút đông đảo sự tham gia của người lao động.