Có hơn 100.000 người chết vì đột quỵ mỗi năm

Theo số liệu thống kê bình quân mỗi năm trên cả nước có khoảng 200.000 người mắc bệnh tai biến mạch máu não, trong đó có 100.000 người tử vong. Số bệnh nhân may mắn qua được cũng trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội vì những di chứng nặng nề.

Con số "giật mình" ấy vừa được GS TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch máu não công bố tại Lễ phát động Ngày Đột quỵ thế giới tổ chức ngày 4/10 tại TPHCM.

Theo GS Thành, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não (TBMMN) là tình trạng bệnh lý biểu hiện bởi các triệu chứng thần kinh xảy ra đột ngột. “Vì một lý do nào đó, mạch máu não bị bít tắc lại, lập tức phía sau của vùng bít tắc các tế bào thần kinh bị hủy hoại một cách rất nhanh chóng chỉ trong một phút sẽ mất đi 2 triệu tế bào. Điều đó tương ứng với tổn thương cục bộ hệ thần kinh trung ương do rối loạn tuần hoàn não.”

Nguyên nhân của căn bệnh đột quỵ phần lớn do rượu, bia, thuốc lá, béo phì...

Điều tra dịch tễ cho thấy, mỗi năm thế giới có khoảng 5 triệu người bị TBMMN, là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu và là cấp cứu thường gặp nhất trong chuyên khoa Thần kinh. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc mới chứng TBMMN, làm chết khoảng 100.000 người. Số bệnh nhân hiện đang sống khoảng 486.000 người.

Tỷ lệ tử vong của đột quỵ đứng hàng thứ 3 sau tai biến của tim mạch, ung thư. Nguyên nhân tàn tật do tai biến mạch máu não có thể đứng hàng thứ nhất hoặc hàng thứ 2 trong mỗi quốc gia.

Một bệnh nhân bị đột quỵ dù không tử vong nhưng có thể bị tàn phế suốt đời nên sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Bệnh đột quỵ phần lớn xảy ra đối với những người uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, béo phì, lười vận động… 

Để thoát khỏi nguy cơ mắc phải căn bệnh này, bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế đến mức thấp nhất những tác nhân gây hại nói trên.

Nguồn Báo điện tử Dân Trí