Chủ động ứng phó kịp thời khi bão lũ xảy ra

Theo nhận định của ngành Khí tưởng thủy văn, năm 2011, thời tiết có những diễn biến phức tạp. Các loại hình thiên tai như: mưa, lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, dông tố, hạn hán,... sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta lớn hơn trung bình nhiều năm. Chuẩn bị tốt công tác phòng, chống lụt bão (PCLB) nhằm ứng phó kịp thời, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đang là vấn đề được các cấp, ngành chức năng tập trung triển khai.

(NTO) Khẩn trương đối phó với bão lũ

Tại xã An Hải (Ninh Phước), nơi được xem là “rốn nước” của tỉnh, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, đồng chí Trần Khánh Ninh, Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương đã hoàn chỉnh các phương án PCLB, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai năm 2011. Theo thống kê, toàn xã có 562 hộ/2.547 khẩu, khi có bão, lũ xảy ra, sẽ tổ chức di dời ngay 288 hộ/1.317 khẩu trong vùng nguy hiểm. Xã đã tổ chức diễn tập các phương án di dời dân từng vùng, địa điểm di dời, công tác đảm bảo thông tin liên lạc, chuẩn bị vật tư, phương tiện dự phòng,... Đồng thời, tổ chức tập huấn, kiện toàn tổ chức PCLB từ xã đến các thôn.

Các lực lượng vũ trang cứu hộ đê sông Dinh trong trận lũ năm 2010. Ảnh: B.D

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 12 hồ chứa nước vừa và nhỏ đảm nhận tưới hơn 10.000 ha đất sản xuất, cấp nước sinh hoạt, phục vụ chăn nuôi và phát triển các ngành kinh tế khác trong tỉnh. Việc quản lý và bảo đảm vận hành an toàn các hồ chứa nước được đặc biệt quan tâm, nhất là vào mùa mưa lũ, các phương án phòng, chống lũ lụt, phân công người có trách nhiệm thường trực tại các hồ chứa và dự trữ vật tư, vật liệu tại chỗ để chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Năm 2011, từ nguồn vốn hỗ trợ chống sạt lở bờ sông, bờ biển của Chính phủ, tỉnh ta đã triển khai xây dựng 4 tuyến đê, kè với kinh phí gần 220 tỷ đồng, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão.

Trong chuyến kiểm tra của đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, tại 4 công trình hồ thủy lợi trọng điểm thuộc địa bàn các huyện Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Phước và Thuận Nam cho thấy, tiến độ xây dựng chậm. Đây đang là nỗi lo đối với công tác PCLB ở tỉnh ta. Bởi 4 hồ này đều có một vị trí quan trọng trong việc tích nước, cắt lũ các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ gây ra. Trước thực trạng này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Phước và Thuận Nam, nhất là các xã nằm ở vùng hạ lưu của các hồ chứa nước, cần chủ động xây dựng các phương án PCLB, di dời dân đến nơi ở an toàn khi có sự cố xảy ra.

Huy động sức mạnh tổng hợp PCLB

Theo đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh cho biết: “Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, để công tác PCLB có hiệu quả cần quán triệt phương châm: chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục quyết liệt, khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính. Tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo, nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về các loại hình thiên tai và mức độ thiệt hại có thể xảy ra, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng tránh để chủ động ứng phó; quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị các loại vật tư, phương tiện, thiết bị, nhân lực đầy đủ theo yêu cầu của các phương án đã xây dựng và các quy định trong công tác PCLB. Các huyện miền núi cần tổ chức cắm mốc cảnh báo địa bàn có thể xảy ra lũ quét để cảnh báo cho người dân. Đi đôi với các biện pháp trên, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, xử lý dứt điểm, triệt để các vi phạm ảnh hưởng đến an toàn đê điều, kè, hồ đập. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội tham gia PCLB ở địa phương trong việc xác định trọng điểm chống lụt, trinh sát đường cơ động, nơi tập kết sở chỉ huy, các phương án xử lý sự cố, phương án di dời, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả sau lụt, bão; tổ chức trực nghiêm túc để nắm bắt diễn biến của lụt, bão, lũ, các sự cố để kịp thời phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo ứng phó với các tình huống xảy ra trên địa bàn; tổ chức tuần tra canh gác, trực 24/24 giờ khi có mưa, bão xảy ra.

Rút kinh nghiệm các năm trước, năm nay các phương án di dời, sơ tán dân, cứu hộ cứu nạn, khôi phục sản xuất…được chỉ đạo xây dựng tới đơn vị thôn, xóm. Bố trí các lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tài sản, nhà ở của người dân tại những nơi đã di dời. Hiện nay, tỉnh cũng đã lên danh sách và kế hoạch di dời dân ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn. Khi có bão, lũ xảy ra, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh sẽ huy động các lực lượng vũ trang: Công an, Biên phòng, Đoàn Đặc công 5, Trung đoàn Không quân 937 tham gia PCLB, cứu hộ cứu nạn.