Hiến kế tặng Đoàn

Nếu toàn thể thanh niên Việt Nam tham gia phong trào tiết kiệm để quyên góp mỗi ngày 100 đồng thôi thì trên dải đất hình chữ S này vào mỗi sớm mai thức dậy sẽ có 10 ngôi nhà dành tặng cho đối tượng chính sách và các đối tượng cần sự giúp đỡ...

Với ý tưởng “Ngôi nhà 100 đồng” này, thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Trợ lý công tác Thanh niên, Cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi “Hiến kế tặng Đoàn”.

Ý tưởng đến với thượng tá Hạnh bắt nguồn từ tình cảm với Đoàn đã có từ nhiều năm nay. Từ năm 2008, anh đã hiện thực hoá ý tưởng này tại cơ quan anh - Bộ Tổng tham mưu. Với việc vận động mỗi đoàn viên, thanh niên tự nguyện tiết kiệm 500 đồng, cán bộ Đoàn là 1.000 đồng, sau một tháng, 70 triệu đồng đã được quyên góp dành xây nhà tặng mẹ Việt Nam Anh hùng ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Thí sinh giành giải nhất - thượng tá Nguyễn Văn Hạnh chia sẻ tình cảm dành cho Đoàn (Ảnh: MC)

Giờ đây, khi đã giành giải nhất cuộc thi “Hiến kế tặng Đoàn”, “kế” của người chiến sỹ quân đội sẽ không dừng lại ở căn nhà 70 triệu đồng năm 2008 hay trên 300 triệu đồng sau 79 ngày phát động nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhật Bác năm 2010 để hàng chục gia đình chiến sỹ hoàn cảnh khó khăn được sống trong ngôi nhà mới nữa mà tháng 12 này, “Ngôi nhà 100 đồng” đầu tiên sẽ ra mắt. Được biết, ngôi nhà nghĩa tình ấy sẽ được xây dựng tại tỉnh Điện Biên.

Nếu ý tưởng giành giải nhất xuất phát từ hành động tiết kiệm nhỏ mà kết quả mang lại thì thật ý nghĩa thì ý tưởng giành giải nhì của cuộc thi lại gắn với công tác bảo vệ môi trường. Chị Tạ Thị Nguyệt Thu (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ), thí sinh xuất sắc giành giải nhì đã xây dựng mô hình Đoàn Thanh niên với công tác giữ gìn vệ sinh môi trường xanh – sạch – đẹp ở khu dân cư. Vào mỗi ngày “thứ bảy xanh”, đoàn viên, thanh niên cùng bà con khu phố tham gia dọn dẹp vệ sinh, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, tận dụng rác thải thu gom thì môi trường sống sẽ sạch, đẹp hơn biết bao trong khi lại có nguồn thu nho nhỏ.

Nếu đọc qua thì sẽ không ít người cho rằng, ý tưởng này chả có gì mới. Song ở bài thi của mình, chị Nguyệt Thu đã trình bày khá sâu sắc làm sao để không biến đoàn viên, thanh niên thành người chuyên đi dọn vệ sinh ở khu dân cư. Chị đã phát triển thành phong trào lôi cuốn các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia mà đoàn viên, thanh niên đóng vai trò nòng cốt.

Trăn trở với hoạt động Đoàn, nhất là những cái khó trong thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn ở nông thôn, chị Đinh Thị Thu Nga (Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân - Nghệ An) đã “hiến kế” với Ban Tổ chức cuộc thi về “Công tác Đoàn ở nông thôn: Cách thức hoạt động nhằm thu hút đông đảo thanh niên vào Đoàn”. Đưa ra những giải pháp cụ thể, bài thi của chị Thu Nga cũng là bài thi đồng giải nhì của cuộc thi.

Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong trường học để nâng cao chất lượng học tập, Đại uý Nông Thị Viết, khoa Giáo viên, trường Thiếu sinh quân Việt Bắc có sáng kiến “Điểm cao đổi vé tham quan” – khuyến khích học tập bằng cách khi học sinh đạt được tổng số điểm nhất định thì sẽ giành được phần thưởng là một chuyến tham quan.

Cô giáo Viết diễn giải, điểm số của học sinh được tính tương đương với số km đường. Tích luỹ được số điểm bao nhiêu thì học sinh sẽ có chuyến du lịch ở địa điểm gần, xa tương đương với số điểm đó. 30 học sinh trường Thiếu sinh quân Việt Bắc dịp 26/3 vừa rồi đã có chuyến thăm quan Hà Nội, vào lăng viếng Bác chính nhờ sáng kiến này của cô giáo Nông Thị Viết. Cô còn có sáng kiến “Đôi bạn 15 điểm” (bạn đạt điểm 10 tham gia kèm bạn có học lực yếu để ít nhất người bạn của mình cũng được 5 điểm).

Thí sinh giành giải ba của cuộc thi là một thí sinh đặc biệt. 94 tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, cụ Trần Văn Trừng, xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vẫn say mê với công tác Đoàn. Cùng chung đề tài thanh niên nông thôn nhưng cụ Trừng lại đề cập tới khía cạnh khác. Theo cụ, Đoàn xã cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tại địa phương tạo công ăn, việc làm, dạy nghề miễn phí cho đoàn viên, thanh niên. Cụ Trần Văn Trừng cũng chính là thí sinh cao tuổi nhất của cuộc thi.

Bên cạnh những bài thi có chất lượng cao, Ban Tổ chức cuộc thi “Hiến kế tặng Đoàn” cũng ấn tượng với nhiều bài thi độc đáo. Đó là bài thi được viết nên bởi 3 thế hệ trong gia đình cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Long (sinh năm 1959), chị Nguyễn Thị Kim Cúc (sinh năm 1978, nguyên Phó Bí thư Đoàn phường) và cháu Nguyễn Minh Châu, 10 tuổi – thí sinh ít tuổi nhất của cuộc thi, gương điển hình tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh và báo Khăn Quàng Đỏ bình chọn ở phường Tân Thới Nhất, quận 12 với 5 sáng kiến dành tặng Đoàn.

 Các thí sinh xuất sắc của cuộc thi "Hiến kế tặng Đoàn" (Ảnh: MC)

Viết bằng hai thứ tiếng Việt và Chru, bài thi của tác giả Nguyễn Thanh Tuấn, Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Ban Giám khảo cùng với bài thi được đánh giá là “đẹp, công phu” với phần phụ lục dày tới 800 trang kèm tư liệu phong phú về lịch sử vẻ vang 80 năm của Đoàn của Bí thư Đoàn trường THCS Hồ Xuân Hương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An Đinh Văn Định. Để có được “đứa con” này, ngoài sưu tầm qua sách, báo, Internet, thày giáo Định đã lặn lội ra tận Thủ đô để bổ sung tư liệu cũng như không ngại ngần có nhiều đêm thức trắng cùng tác phẩm.

Mỗi người một suy nghĩ, một ý tưởng, một hành động. Nhưng họ đều có một điểm chung, đó là có tình cảm tha thiết với Đoàn, say mê với công tác Đoàn để cùng... hiến kế tặng Đoàn.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam