Ðột phá mới trong chiến lược kinh tế biển

Kinh tế biển của Việt Nam phát triển với hai lợi thế quan trọng là tiềm năng tự nhiên và vị trí địa - kinh tế và địa - chiến lược đặc biệt. Tuy vậy, lâu nay, khi bàn đến lợi thế phát triển kinh tế biển của Việt Nam, sự chú tâm thường được dành cho loại lợi thế thứ nhất mặc dù loại lợi thế thứ hai đang ngày càng quan trọng bởi sự gia tăng nhanh chóng của quá trình toàn cầu hóa.

Ðể phát triển kinh tế biển - một không gian phát triển mới, một động lực phát triển ở tầm chiến lược mạnh bậc nhất - Việt Nam cần có cách tiếp cận mới, khác căn bản cách tiếp cận phát triển kinh tế "đất liền" truyền thống. Hướng ra biển, phát triển kinh tế biển một cách chiến lược trở thành một nhu cầu bức bách, đồng thời, là một cơ hội lớn cho sự trỗi dậy mang tính bùng nổ của Việt Nam.

Hiện trạng

Hiện nay, về nguyên tắc, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nhưng, đánh giá một cách thực chất, trong một thời gian dài, chúng ta mới chỉ chú trọng hướng mở cửa - lên núi bằng việc mở hàng loạt cửa khẩu và phát triển khu kinh tế cửa khẩu trên biên giới đất liền mà ít mở ra biển, qua các cảng biển.

Gần đây, mấy chục tỉnh sát biển đua nhau làm cảng biển, đã xây dựng khoảng một trăm cảng biển. Song động lực "vươn ra biển lớn" của phong trào rầm rộ đến mức đã trở thành "hội chứng" này, thật sự không rõ ràng, bị chi phối bởi tư duy lợi ích dự án cục bộ thay vì một mục tiêu đua tranh phát triển lành mạnh và có tầm nhìn xa. Ðó là bởi nền kinh tế vẫn theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên trên đất liền theo cách cũ, với công nghệ - kỹ thuật lạc hậu. Ðến nay, mô hình đó đã "tận khai" năng lực "đất liền" của quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam không tiến ra biển với "hành trang" thời Mai An Tiêm. Tư duy biển - chủ quyền lãnh hải, sự hiện diện, sự chinh phục, hợp tác quốc tế giải quyết tranh chấp, v.v., các định hướng phát triển biển theo nguyên lý hiện đại - phát triển ngành đóng tàu và hàng hải viễn dương, du lịch biển, thăm dò, khai thác biển... - đã bắt đầu định hình và được thực thi. Ðó là những nền tảng ban đầu để hình thành một chiến lược biển với các nội dung cụ thể, khả thi, hay đúng hơn, các chiến lược kinh tế biển cụ thể. Chỉ với các chiến lược cụ thể đó, chúng ta mới trả lời được câu hỏi: Việt Nam sẽ vươn ra biển lớn như thế nào?

Nhưng đó chỉ mới là một mặt của vấn đề. Về thực lực, hai yếu tố nền tảng của công cuộc chinh phục biển của Việt Nam - lực lượng doanh nghiệp và tiềm lực khoa học công nghệ - hãy còn yếu kém. Có thể đưa ra một nhận xét tổng quát về sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam với tư cách là một kết cấu mang tính hệ thống rằng mặc dù tiềm năng tự nhiên - điều kiện cần cho sự phát triển các ngành kinh tế biển - là tốt, song các điều kiện đủ để hiện thực hóa và thúc đẩy sự phát triển đó - bao gồm những yếu tố xác lập quỹ đạo phát triển hiện đại và cung cấp động lực phát triển kinh tế biển lại rất thiếu và yếu.

Ðịnh hình chiến lược

Mặc dù đến nay, chúng ta đã có những bước tiến quan trọng trong việc thiết kế và thực thi chiến lược kinh tế biển, song vẫn chưa định hình một tư duy phát triển mới, tổng thể về kinh tế biển.

Kinh nghiệm phát triển trên đất liền và theo tư duy "đất liền" nhiều năm của Việt Nam, cộng với thực tiễn phát triển kinh tế biển của nhiều nước đi trước cho thấy việc định hình chiến lược kinh tế biển cần được thực hiện đồng thời và tổng thể ở ba phương diện. Một là khai thác vùng không gian biển (mặt biển, dưới biển và bầu trời trên biển); Hai là khai thác vùng bờ biển (vùng duyên hải với các cảng biển, bãi biển, thành phố biển, khu kinh tế ven biển); Ba là phát triển các lĩnh vực "hậu cần" cho kinh tế biển và các khu vực kết nối (các ngành phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển khoa học - công nghệ biển, nguồn nhân lực cho kinh tế biển, kết nối tuyến du lịch đất liền... Ba phương diện này hình thành các khâu liên tục của một chuỗi phát triển cho bất cứ ngành kinh tế biển cụ thể nào.

Chúng ta đã và đang hình thành bốn vùng kinh tế trọng điểm và hàng chục khu kinh tế dọc theo chiều dài đất nước. Tất cả đều hướng ra biển và có tiềm năng to lớn từ kinh tế biển. Chính vì vậy, cần có các chiến lược cụ thể và mang tính khả thi cao để phát triển hạ tầng giao thông để tạo thuận lợi cho phát triển, kết nối, liên kết các vùng kinh tế đặc biệt này trong chiến lược phát triển chung của quốc gia.

Ðã đến lúc cần có những đột phá mới trong chiến lược phát triển kinh tế biển đó là: Mặt tiền (biển) + tự do hóa (thể chế vượt trước). Thực chất của công thức này là biết tận dụng ưu thế mặt tiền biển, thực hiện những đột phá phát triển mạnh thông qua việc xây dựng các Khu kinh tế biển với thể chế hiện đại. Ðây là công thức thành công của nhiều quốc gia đã làm.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam