UBTVQH cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Chiều 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII từ 2011- 2016.

Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội khóa XIII (Chương trình) gồm 133 dự án, trong đó có 123 dự án luật còn lại các dự thảo Nghị quyết và dự án Pháp lệnh. Riêng Chính phủ đề nghị 115 dự án luật vào Chương trình.

Tuy nhiên trong số này có 30 dự án sửa đổi, bổ sung một số điều, 34 dự án sửa đổi, 17 dự án luật được nâng lên từ Pháp lệnh và nhiều dự án đã được chuẩn bị kỹ, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội cho biết.

Sau khi thẩm tra, Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội kiến nghị UBTVQH rút 7 dự án so với đề nghị ban đầu để Chương trình còn 126 dự án.

Tăng cường phối hợp trong việc soạn thảo các dự án luật

Góp ý vào việc đảm bảo thực hiện Chương trình, Tờ trình của Chính phủ cho rằng từ nhiệm kỳ khóa XIII, trong thành phần Ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh cần có đại diện của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban có liên quan của Quốc hội để khắc phục tình trạng “cắt khúc” nội dung dự án giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra như hiện nay.

Các ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng không thể quy định như vậy vì sẽ làm mất tính khách quan trong thẩm tra, giám sát của các cơ quan của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã có cơ chế phối hợp giữa các Vụ chuyên ngành thuộc Văn phòng Quốc hội với các cơ quan soạn thảo luật. Nhưng cơ chế này vận hành chưa thực sự hiệu quả nên khi các cơ quan trình dự thảo luật ra UBTVQH và Quốc hội vẫn còn nhiều điều phải chỉnh sửa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã giao Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nghiên cứu một cơ chế phối hợp cụ thể hơn để các cơ quan phối hợp soạn luật cho hiệu quả.

Khi việc phối hợp này hiệu quả sẽ nâng cao chất lượng xây dựng luật và tiết kiệm được thời gian cho UBTVQH và các đại biểu Quốc hội, đồng thời khi Quốc hội ban hành Luật thì Chính phủ dễ dàng ban hành hướng dẫn thi hành Luật hơn, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Đề xuất xây dựng Luật về dân tộc và Luật Chủ tịch nước

Không nằm trong các đề xuất, kiến nghị vào Chương trình luật, pháp lệnh Quốc hội khóa XIII nhưng Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Ksor Phước và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị cần có thêm Luật về dân tộc và Luật Chủ tịch nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng cần quy định cụ thể chức danh Chủ tịch nước bằng Luật Chủ tịch nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước chủ động chuẩn bị hồ sơ liên quan đến xây dựng Luật Chủ tịch nước để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 tới…

Ngoài ra Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Phạm Minh Chính kiến nghị UBTVQH nên xem xét đưa Luật thi đua khen thưởng vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XIII…

Nguồn www.chinhphu.vn