ĐƯỜNG ĐÔI VÀO TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM:

Tiến độ chậm do khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Dự án Đường đôi vào Tp.Phan Rang- Tháp Chàm (phía Bắc) được khởi công vào tháng 1-2010, có chiều dài trên 1,8 km, rộng 37m, bắt đầu từ ngã ba Tân Hội đến ngã tư đường Trần Phú, do 2 đơn vị: Công ty TNHH TM&XD Sơn Long Thuận và Công ty TNHH XD&TM Hướng Dương đảm nhận thi công, dự kiến sẽ được hoàn thành sau 12 tháng. Tuy nhiên, đến nay mới thực hiện đạt 60% khối lượng công trình.

(NTO) Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ thi công chậm, trong đó nguyên nhân chính là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Toàn bộ dự án có 300 hộ gia đình và 10 tổ chức nằm trong phạm vi GPMB, trong đó phải bố trí tái định cư (TĐC) và nhu cầu tách hộ cho 105 trường hợp (84 hộ TĐC và 21 hộ thuộc diện nhu cầu). Tuy nhiên do quỹ đất có hạn nên thời gian qua Ban quản lý dự án (BQLDA) chỉ có thể bố trí đất được cho 57 hộ TĐC tại chỗ, còn lại 27 hộ TĐC và 21 hộ thuộc diện nhu cầu phải bố trí về khu TĐC Phước Mỹ.

Công trình thi công dở dang!

Qua 4 năm thực hiện GPMB, đến nay vẫn còn 21 hộ gia đình chưa bàn giao mặt bằng thi công. Trong đó có 16 trường hợp chờ nhận đất tại khu TĐC Phước Mỹ; 2 hộ chờ giao đất tại khu TĐC tại chỗ; 2 hộ được bố trí vào khu TĐC Phước Mỹ nhưng có đơn khiếu kiện không chịu nhận đất; 1 trường hợp không chịu di dời.

Để giải quyết thủ tục giao đất TĐC cho người dân, tháng 9-2010, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng đơn giá giao đất trong khu TĐC Phước Mỹ và trình UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm với mức 1.100.000 đồng/m2 đối với các lô ở vị trí 1. Tuy nhiên, Hội đồng bồi thường Tp. Phan Rang-Tháp Chàm không thống nhất với lý do tổng số kinh phí từ tiền giao đất không đủ để đầu tư xây dựng khu TĐC, đồng thời trình Hội đồng bồi thường tỉnh phương án mới với đơn giá thu tiền sử dụng đất 2.225.000 đồng/m2. Do đơn giá đất quá cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chỉnh đốn lại cho phù hợp, tạo điều kiện cho các hộ trong diện GPMB có nơi ở mới. Tháng 7-2011, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt đơn giá theo phương án do Sở Giao thông vận tải đề xuất. Việc làm thủ tục bàn giao đất TĐC cho người dân quá lâu cũng là nguyên nhân khiến việc GPMB bị kéo dài. Do chưa thực hiện xong việc GPMB nên buộc các nhà thầu phải thi công theo dạng “cắt khúc”, làm cho con đường bị đào xới thành nhiều đoạn, thi công không thông suốt và gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc đi lại của người tham gia giao thông và sinh hoạt của các hộ dân sống dọc hai bên đường trong suốt thời gian qua.

Ngoài khó khăn trong công tác GPMB, tiến độ của dự án chậm còn vì lý do thiếu vốn. Theo Ban quản lý Các dự án giao thông tỉnh, tổng kinh phí thực hiện công trình là 167 tỷ đồng, được hỗ trợ từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa nhận đủ số tiền hỗ trợ. Ngoài ra, do ảnh hưởng lạm phát, giá nguyên vật liệu tăng cao, để hoàn thành, ước tính công trình phải cần thêm khoảng 90 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Hà, cán bộ Ban Quản lý Các dự án công trình giao thông cho biết: “Khó khăn về vốn sẽ sớm được giải quyết trong thời gian đến, vì đây là công trình trọng điểm tỉnh quan tâm. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là vẫn còn 3 hộ dân không chịu giao trả mặt bằng cho dự án. Để giải quyết vấn đề này, Ban Quản lý dự án sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng vận động các gia đình trên giao lại mặt bằng cho công trình, đồng thời sẽ áp dụng những biện pháp xử lý thích hợp, phấn đấu thực hiện xong công tác GPMB trong tháng 9-2011. Khi công tác GPMB hoàn thành, chúng tôi sẽ đốc thúc các nhà thầu thi công để công trình có thể hoàn thành vào cuối năm nay”. Ngoài ra, để giải quyết những bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường giao thông, trước mắt, Ban Quản lý dự án yêu cầu các nhà thầu thường xuyên san ủi mặt bằng, bố trí lắp đặt bổ sung các biển báo, đèn tín hiệu, tưới nước mặt đường nhằm giảm thiểu bụi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông và các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường này.

Uyên Thu