CHỈ THỊ CỦA TỈNH ỦY

Về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến

Ngày 31-8-2011, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Báo Điện Tử Ninh Thuận (NTO) trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn Chỉ thị này.

Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến” và Chỉ thị số 42-CT/TU ngày 30-7-2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ IV; trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước gắn đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, đã kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ; xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; tạo động lực thúc đẩy các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, công tác, học tập, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Tuy nhiên phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Việc tổ chức phong trào thi đua chưa đồng đều giữa các ngành, địa phương, giữa các lĩnh vực; còn nặng về hình thức tổ chức thi đua, tính hiệu quả của từng phong trào thi đua còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đẩy mạnh phong trào thi đua ở những địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được quan tâm thường xuyên. Công tác xét khen thưởng theo chuyên đề và khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị chưa bám sát tiêu chuẩn, đối tượng, còn có biểu hiện nể nang, chạy theo thành tích trong khen thưởng, khen cán bộ lãnh đạo nhiều, khen người trực tiếp lao động, sản xuất và làm công tác chuyên môn ít.

Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng theo Kết luận số 83-KL/TW ngày 30-8-2010 của Ban Bí thư Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận và các đoàn thể thực hiện tốt những nội dung sau đây:

1/ Các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai công tác thi đua, khen thưởng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và thực hiện nghiêm túc nội dung Kết luận số 83-KL/TW ngày 30-8-2010 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 25-5-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến” và các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng của Trung ương gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từng năm nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn cách mạng mới, coi đó là động lực to lớn để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh,

2/ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để lãnh đạo và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, trong đó lưu ý một số nội dung: Mỗi phong trào thi đua cần xác định mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá và các biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể, rõ ràng, thiết thực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, đơn vị; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tập thể và cá nhân tự giác, nhiệt tình hưởng ứng các phong trào thi đua. Sau mỗi đợt thi đua, tiến hành tổng kết phong trào thi đua yêu nước để đánh giá những kết quả làm được, những mặt còn hạn chế, qua đó rút ra được cách làm hay, kinh nghiệm tốt để nhân rộng điển hình tiên tiến, xuất sắc, có sức lan tỏa trong cơ quan, đơn vị và xã hội, tạo động lực mới để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Chỉ đạo thực hiện đúng quy trình, thủ tục khen thưởng theo quy định; việc xét khen thưởng phải đúng luật, công khai, dân chủ, kịp thời, đúng đối tượng, phản ánh đúng thực chất kết quả từng phong trào thi đua; chú trọng khen thưởng đối với các cá nhân là công chức, viên chức người trực tiếp lao động sản xuất có thành tích xuất sắc.

Việc tổ chức trao thưởng phải trang trọng, đúng nghi thức nhà nước nhưng triệt để tiết kiệm. Kịp thời khen thưởng đột xuất gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống bão lụt…để động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân thi đua tham gia giải quyết các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất tại địa bàn dân cư.

Củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên hội đồng thi đua-khen thưởng các cấp; thành lập Hội đồng xét duyệt sáng kiến cấp tỉnh; bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng ở các sở, ngành, huyện, thành phố. Hằng năm, có kế hoạch tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng.

3/ Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với các đoàn thể, tổ chức xã hội có các biện pháp thích hợp vận động nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương và tỉnh phát động. Đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền các chủ trương, giải pháp, chính sách đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua yêu nước.

4/ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua – khen thưởng; về kết quả các phong trào thi đua nhằm biểu dương người tốt, việc tốt; tuyên truyền, phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong tổ chức các phong trào thi đua để góp phần nhân rộng phong trào.

5/ Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành tiêu chuẩn khen thưởng trong các cơ quan Đảng; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra việc lãnh đạo công tác thi đua, khen thưởng với các tổ chức Đảng và đánh giá chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên hàng năm.

6/ Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban Đảng tỉnh và Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của tỉnh theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thi đua, xét khen thưởng đối với UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể tỉnh.

7/ Giao ban cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy kết quả thực hiện.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ để quán triệt đến đảng viên và quần chúng.