Đào tạo nghề lao động nông thôn: Hướng đi đã mở

Ở tỉnh ta, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chỉ chiếm 22,23%. Con số này chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

(NTO) Học nghề, có việc làm thu nhập ổn định:

Toàn tỉnh hiện có 1 Trường Trung cấp Nghề và 9 cơ sở dạy nghề. Các cơ sở đào tạo nghề được Trung ương và tỉnh hỗ trợ kinh phí từ đầu tư trang thiết bị đến dạy nghề, nhờ đó từng bước hoạt động có hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu học nghề của người lao động. Nhiều ngành nghề được đào tạo như xây dựng, sửa chữa ô-tô, xe máy, điện dân dụng, may, kỹ thuật nông-lâm-ngư nghiệp, chế biến… đã tạo nhiều cơ hội cho lao động nông thôn học nghề, có nghề, có việc làm và thu nhập ổn định. Điển hình như trong tháng 6-2011, Trường Trung cấp Nghề đã tổ chức đào tạo cho 300 lao động nông thôn với nghề may công nghiệp trình độ sơ cấp tại Công ty TNHH May Tiến Thuận. Qua khóa học, tất cả học viên đều được tuyển dụng vào công ty May Tiến Thuận với thu nhập ổn định. Ông Trần Minh Trung, Phó Giám đốc Công ty May Tiến Thuận cho biết: “Việc phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với doanh nghiệp được xem là một hướng đi phù hợp giữa đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Việc đào tạo nghề tại đơn vị sẽ giúp người lao động tiếp cận với công việc ngay sau khi kết thúc khóa học, đồng thời giúp người lao động vừa được học nghề, vừa có thêm thu nhập, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình”.

Trường Trung cấp Nghề Ninh Thuận phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Ninh Sơn
mở lớp dạy nghề may ngắn hạn cho 25 thanh niên người dân tộc Raglai, thuộc địa bàn thôn Mỹ Hiệp,
xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, giúp các em có nghề cơ bản và tìm việc làm ổn định. Ảnh: Văn Miên

Trong giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 41.663 lao động. Trong đó, Trung cấp 3.895 người, sơ cấp và thường xuyên 38.543 người. Theo khảo sát của Trường trung cấp Nghề tỉnh, qua phiếu điều tra thăm dò 114 học viên, có 97 học viên ra trường (chiếm 85,1%) có việc làm. Qua đó, có thể đánh giá công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có nhiều khởi sắc, có địa phương trước đây không triển khai được nay lại thực hiện và có nhu cầu rất lớn, đã góp phần giải quyết việc làm ổn định, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cải thiện dần cơ cấu lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Học nghề-đào tạo nghề còn mang tính tự phát

Thực tế nhu cầu đào tạo nghề ở tỉnh ta được thực hiện như sau: Các cơ sở dạy nghề thông báo tuyển dụng, đào tạo rồi học viên ra trường và tự kiếm việc làm. Tại Trung tâm giới thiệu việc làm, các học viên vào đây lại chỉ chọn học nghề ngắn hạn hoặc những ngành mình quan tâm, nếu được tuyển dụng sẽ đi làm, còn ngược lại coi như học chơi! Điều này dẫn đến mất cân bằng giữa cung và cầu. Bởi thực tế là mỗi dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh đều cần một số lượng lao động nhất định với cơ cấu về trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ khác nhau nhưng các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh chưa đáp ứng được điều này. Tình trạng lao động được đào tạo chưa có việc làm còn nhiều, trong khi doanh nghiệp vẫn than phiền thiếu lao động... Rất nhiều doanh nghiệp khi đầu tư dự án tại địa phương phải tuyển lao động người địa phương rồi đưa đi đào tạo hoặc đưa lao động từ nơi khác đến. Trong khi đó, hàng năm tỉnh ta vẫn cứ giao chỉ tiêu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các địa phương, dẫn đến một số địa phương lo hoàn thành chỉ tiêu, chưa chú trọng đến định hướng học nghề, chất lượng đào tạo nghề và đầu ra sau học nghề!.

Giờ thực hành của học viên lớp Nghề Xây dựng tại Trường Trung cấp nghề tỉnh. Ảnh: Văn Miên

Theo ông Võ Thái Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Yến Việt, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho biết: “Hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực và đội ngũ công nhân có tay nghề ở tỉnh ta thiếu trầm trọng. Các doanh nghiệp muốn tuyển dụng lao động có tay nghề nhưng không có nguồn. Trong khi đó, các chương trình đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh thiếu sự phối hợp giữa đào tạo nghề với doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến chất lượng đào tạo nghề thấp, không sử dụng được. Vì vậy, tỉnh cần có các chính sách, giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động thật sự của các doanh nghiệp và nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn”.

Biến chủ trương thành hiện thực

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra đến năm 2015 phải có 50% lao động qua đào tạo nghề. Theo Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, có 60% lao động qua đào tạo, trong đó 45% lao động qua đào tạo nghề. Theo đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: “Cùng với Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn đến năm 2020; tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa IX, đã thông qua Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn đến năm 2020. Theo Đề án, từ 2011-2020, tỉnh ta sẽ đào tạo nghề cho 41.570 lao động nông thôn, với tổng kinh phí dạy nghề 260.025 triệu đồng. Đây sẽ là cơ hội, điều kiện thuận lợi để cho lao động nông thôn tỉnh ta được tham gia học nghề, tạo cho mình một nghề ổn định”.

Để triển khai Đề án có hiệu quả, cần phải có sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị. Theo đó, tỉnh cần sớm quy hoạch mạng lưới, nâng cao năng lực cho các cơ sở dạy nghề, tiếp tục đầu tư nâng cấp Trường Trung cấp Nghề tỉnh thành trường trọng điểm về đào tạo công nhân lành nghề, kỹ thuật cao; củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các trung tâm nghề; xây dựng, đầu tư các trường nghề tại địa bàn các huyện. Đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và trang thiết bị dạy nghề ngày càng hiện đại; mở rộng quy mô, đa dạng hình thức đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường; thực hiện tốt công tác xã hội hóa, khuyến khích đầu tư cơ sở đào tạo nghề và trang thiết bị hiện đại để đào tạo lao động chất lượng cao. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần thành lập trung tâm dự báo về nhu cầu lao động và trung tâm này chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, các trường dạy nghề và các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nghề cho từng giai đoạn cụ thể. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với xây dựng nông thôn mới, có như vậy mới thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo và góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn. Đây là hướng đi và là giải pháp quan trọng, thiết thực nhất cho lao động nông thôn.

Ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc

Lực lượng lao động ở huyện Thuận Bắc đang chuyển dịch dần từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương, thời gian tới, huyện Thuận Bắc sẽ tập trung làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực từ ngắn hạn đến dài hạn, qua đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, huyện cũng kiến nghị với tỉnh sớm triển khai xây dựng trường nghề tại địa phương để tạo điều kiện cho người dân học nghề.
Ông Nguyễn Văn Tính, Trưởng Ban kinh tế, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh)

Phần lớn lao động trong khu vực nông thôn chưa qua các lớp đào tạo nên tập quán canh tác cũ vẫn cứ tồn tại lâu nay. Vì vậy, việc truyền đạt kiến thức, hướng dẫn ứng dụng khoa học-kỹ thuật sản xuất cũng cần đơn giản, cụ thể dễ tiếp thu, dễ nhớ. Để làm được việc đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ dạy nghề, khuyến nông, khuyến công… cần nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, năng lực truyền thụ kiến thức cho lao động nông thôn, góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Ông Đàng Xem, hộ kinh doanh gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước)

Tôi cho rằng, làm việc trong lĩnh vực nào cũng cần phải được đào tạo một cách cơ bản. Những năm qua, ở địa phương tôi đã được hưởng một số chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, tuy nhiên, các lớp dạy nghề này mới chỉ mang tính phổ biến kiến thức, chưa thực sự hữu ích với người lao động. Bản thân tôi hiện nay đang làm dịch vụ kinh doanh gốm mỹ nghệ nhưng chưa được học qua lớp nghề nào mà mở cửa hàng chủ yếu do tự phát. Vì vậy, rất khó khăn trong việc quản lý nguồn vốn và tổ chức các hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, xã Tri Hải (Ninh Hải)

Tôi được Công ty May Tiến Thuận hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề may và được tuyển dụng. Qua thực tế, tôi thấy rằng, yêu cầu đầu tiên để đào tạo nghề có chất lượng là mỗi học viên phải thực sự tâm huyết với nghề đã lựa chọn để có ý thức học tập nghiêm túc. Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo nghề phải là “bà đỡ” cho người lao động, trong đó tìm việc làm sau học nghề là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút người lao động học nghề. Ngoài ra, có một thực tế tại địa bàn huyện Ninh Hải nói riêng, tỉnh ta nói chung quá ít trường nghề, nghề học dẫn đến thanh niên nông thôn chúng tôi ít có cơ hội lựa chọn.