CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH

Về việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh

Ngày 31-8-2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 23/2011/CT-UBND về việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Báo Điện Tử Ninh Thuận (NTO) trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị này:

Thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18-4-2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao và Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 26-2-2007 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao. Thời gian qua công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao tỉnh Ninh Thuận đã đạt được một số kết quả như sau:

Về lĩnh vực văn hóa: phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa, cùng với phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì, nhiều đội văn nghệ quần chúng từ các địa phương trong tỉnh, các cơ quan, ban, ngành hoạt động khá tích cực. Đặc biệt là các lễ hội đình làng những năm gần đây phần lớn là do nhân dân đóng góp tổ chức; nhiều loại hình dịch vụ văn hóa do nhân dân tự tổ chức và đăng ký hoạt động khá phong phú và đa dạng.

Về lĩnh vực thể dục, thể thao: đã có nhiều câu lạc bộ hoạt động thể dục thể thao quần chúng được hình thành và đi vào hoạt động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập, như: bóng đá, cầu lông, võ thuật, thẩm mỹ, thể hình, quần vợt, cờ vua, cờ tướng, ... tạo phong trào rộng khắp, đáp ứng một phần nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân.

Tuy nhiên, so với yêu cầu trong tình hình mới, công tác xã hội hóa vẫn chưa đáp ứng như mong muốn; các hoạt động văn hóa, thể thao như: nơi sinh hoạt vui chơi, giải trí cho nhân dân còn thiếu; các điểm sinh hoạt văn hóa chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao, các cơ sở hoạt động thể dục, thể thao còn thiếu chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tập luyện thể dục thể thao, nhất là cho các đối tượng lứa tuổi thanh-thiếu niên. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân; trong đó có nguyên nhân: việc huy động các nguồn đóng góp, nguồn tài trợ cho hoạt động văn hóa, thể dục thể thao còn hạn chế về phương thức, quy mô và hiệu quả.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 26-2-2007 của Tỉnh ủy và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan. Để khắc phục những hạn chế, bất cập và triển khai tốt hơn các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa để các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các đơn vị công lập, ngoài công lập và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ để thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hoá nói chung và xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá và thể dục thể thao nói riêng. Trước hết là đổi mới nhận thức về các mô hình hoạt động ngoài công lập, mạnh dạn chuyển một số cơ sở công lập và bán công sang các loại hình ngoài công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật.

2. Các ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động, các đoàn thể chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang cần triển khai làm tốt công tác phối hợp, ký kết liên tịch để tổ chức nhiều hình thức hoạt động văn nghệ, các giải thi đấu thể thao nhằm phục vụ tốt đời sống văn hóa và rèn luyện thể chất trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường công tác quản lý nhà nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất; làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao nhằm đưa các hoạt động này tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

a) Tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hoá của các cơ sở công lập và ngoài công lập; xây dựng lộ trình chuyển các đơn vị sự nghiệp văn hóa công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ, tự chủ về tổ chức và tài chính;

b) Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tạo ra các sản phẩm văn hóa truyền thống; đóng góp kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích. Khuyến khích thành lập các đơn vị nghệ thuật tập thể, tư nhân, gia đình theo quy định hiện hành của Nhà nước;

c) Vận động các tập thể, tư nhân liên doanh, liên kết xây dựng các trung tâm nghệ thuật, tổ chức hoạt động sân khấu nhỏ; đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, hoạt động của các nhà văn hóa, các đoàn nghệ thuật, bảo tồn - bảo tàng và các dịch vụ văn hóa khác;

d) Phối hợp với các ngành có liên quan huy động các nguồn lực, trí tuệ và sức sáng tạo trong xã hội đầu tư xây dựng các công trình và thiết chế văn hóa; tham gia và phát triển các hoạt động văn hóa, đặc biệt là tự tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Đẩy mạnh việc sáng tác trong các loại hình nghệ thuật, xây dựng những gương điển hình về xã hội hóa, đưa công tác tuyên truyền về chủ trương xã hội hóa thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên gắn với phản ánh những gương điển hình tiên tiến và phê phán những việc làm không đúng với chủ trương xã hội hóa của Nhà nước; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư và bảo trợ các hoạt động văn hóa;

e) Xây dựng lộ trình chuyển các cơ sở thể dục thể thao công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ; chuyển một số cơ sở thể dục, thể thao công lập có đủ điều kiện sang loại hình thể dục, thể thao ngoài công lập;

g) Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân hình thành các cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập và thành lập các tổ chức xã hội về thể dục thể thao. Có kế hoạch kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư một số hạng mục công trình thuộc khu liên hợp thể dục thể thao của tỉnh;

h) Khuyến khích xây dựng các câu lạc bộ, các điểm thể dục thể thao ở các cơ quan, doanh nghiệp, các xã, phường, thị trấn đặc biệt là ở nông thôn. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế thành lập các liên đoàn, câu lạc bộ các bộ môn thể thao có thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp hóa;

i) Cải tiến hệ thống thi đấu thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, từng bước chuyển công tác tổ chức thi đấu thể thao cho các liên đoàn thể thao, các tổ chức xã hội về thể dục thể thao, các đơn vị kinh tế có đủ năng lực; khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí để tổ chức các giải thể thao của tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu kế hoạch đầu tư phát triển các hạ tầng văn hóa, thể thao cơ bản; tổng hợp xây dựng danh mục các cơ sở ngoài công lập cần kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư về xã hội hóa, xây dựng và công khai hóa các thủ tục thành lập các cơ sở văn hóa, thể dục, thể thao ngoài công lập.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy mô và lộ trình xã hội hóa của các ngành tham mưu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai, ưu tiên bố trí đất đai cho các cơ sở ngoài công lập; xây dựng và công khai hóa các thủ tục giao đất, cho thuê đất.

6. Sở Xây dựng căn cứ các quy định hiện hành về thiết chế văn hóa các cấp; căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật về dành quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở xã, phường, thị trấn để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư từ tỉnh đến cơ sở, từ đô thị đến nông thôn, trong các khu dân cư đáp ứng yêu cầu xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao cho nhân dân.

7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp các Sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước, với thẩm quyền và điều kiện của địa phương; có biện pháp huy động mọi nguồn lực của địa phương để đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao. Có kế hoạch quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở.

8. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Thuận xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách về công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao cũng như những mô hình hay, những điển hình tiên tiến về thực hiện công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao.

9. Tổ chức thực hiện

a) Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này;

b) Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.