Nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp phù hợp tình hình mới

Công tác xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bao gồm nhiều nội dung với khối lượng công việc rất lớn và tiêu chí cao, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao, phương thức làm việc rất khoa học của Ban biên tập và các bộ phận liên quan mới có thể đảm bảo chất lượng công việc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp đầu tiên của Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sáng 7-9. Đây là phiên họp khởi động nhằm xây dựng mô hình, tổ chức, cách thức làm việc cho Ban biên tập trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử quan trọng này.

Đề cập đến tình hình thực tiễn, những thuận lợi và khó khăn của công việc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 lần này diễn ra trong bối cảnh trong nước có nhiều thuận lợi. Những nội dung sửa đổi sẽ bám sát và kế thừa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các văn kiện khác của Đại hội lần thứ XI của Đảng và kết quả tổng kết 20 năm đổi mới. Đất nước ta cũng đã thoát khỏi nhóm các quốc gia nghèo và đang thực hiện mục tiêu phấn đấu đến 2020, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến 2030 thì trở thành nước công nghiệp phát triển. Kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước cũng đang trên đà phát triển với nhiều thành tựu quan trọng… Tuy vậy, khó khăn đặt ra đối với công tác sửa đổi Hiến pháp chính là việc lựa chọn những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với xu thế của thời đại, tình hình thực tiễn của đất nước trong những chặng đường phát triển tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị việc nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992 phải trên cơ sở kế thừa và tổng kết cả quá trình thực hiện Hiến pháp 1946 kết hợp với các bản hiến pháp qua các thời kỳ; phù hợp với tình hình đất nước trong giai đoạn cách mạng mới trên tinh thần tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, , dân chủ , công bằng ,văn minh.

Nguồn Báo SGGP Online