Hội thảo khoa học "Công tác nhân tài ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"

Sáng 6/9, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chủ nhiệm Đề tài ĐTĐL.2010 G/47 tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác nhân tài ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Đồng chí Hồ Đức Việt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo các ban Đảng, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Việt Nam luôn coi trọng việc sử dụng nhân tài

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Hồ Đức Việt cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhân tài, trong mỗi kỳ Đại hội Đảng toàn quốc gần đây, công tác cán bộ nói chung và vấn đề nhân tài nói riêng luôn được đề cập.

Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18-6-1997 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII) là nghị quyết chuyên đề về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã nhấn mạnh: “Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ quản lý kinh doanh các doanh nghiệp lớn”. Tiếp tục định hướng này, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ: “Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng. Tăng nguồn đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội vào phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài, trước hết trên ba lĩnh vực: lãnh đạo - quản lý, sản xuất - kinh doanh và khoa học - công nghệ” .

Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII). Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng xác định rõ một trong những nhiệm vụ rất cần thiết là: “Triển khai xây dựng đề án Chiến lược quốc gia về nhân tài”.

Thực hiện kết luận số 37-KL/TW ngày 2/02/2009 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, Ban Tổ chức Trung ương được Bộ Chính trị phân công chủ trì nghiên cứu xây dựng đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Cơ sở lý luận, thực tiễn của Chiến lược quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ các khái niệm về nhân tài, vị trí, vai trò của nhân tài và kinh nghiệm thu hút, sử dụng nhân tài ở một số nước trên thế giới. Các đại biểu cũng đã phân tích rõ nét thực trạng về đội ngũ nhân tài trên các lĩnh vực cũng như những yêu cầu của giai đoạn phát triển mới đối với việc xây dựng, phát triển nhân tài ở Việt Nam.

Cần tạo điều kiện thuận lợi để phát huy năng lực của người tài

Để sử dụng và phát huy hiệu quả nhân tài, theo các đại biểu, cần tiếp tục đổi mới tư duy về nhân tài, về vai trò của nhân tài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cần xây dựng một hệ thống chính sách, kế hoạch và giải pháp mạnh về bồi dưỡng, thu hút, sử dụng nhân tài. Cụ thể, cần định danh và phân loại nhân tài, có tiêu chí cụ thể trong việc đánh giá, sử dụng nhân tài; xây dựng các thiết chế đặc thù để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; có chính sách khuyến khích việc phát hiện và tiến cử nhân tài; có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút đội ngũ nhân tài quốc tế (bao gồm cả du học sinh Việt Nam đào tạo ở nước ngoài, Việt kiều và người nước ngoài)

Theo các đại biểu, có 2 điều kiện cơ bản, quan trọng nhất về cơ chế đánh giá, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đó là lương bổng và điều kiện môi trường làm việc phải đảm bảo tốt để nhân tài phát huy năng lực. Nếu lương thấp thì không thu hút được nhân tài, đó không phải là cách trọng dụng nhân tài và như vậy, nhân tài sẽ ra đi. Nhưng ngược lại, ở những chỗ lương cao, nhưng môi trường kỳ thị, đố kỵ và thiếu dân chủ, tự do thật sự, không minh bạch thì nhân tài cũng không có triển vọng cống hiến và phát triển thì nhân tài cũng sẽ ra đi.

Theo TS. Văn Tất Thu, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ: Nhân tài có vị trí đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua tất cả các thời kỳ lịch sử, không chỉ trong các lĩnh vực quân sự, chính trị, mà cả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa. Ông cha ta đã ý thức rõ vị trí, vai trò của hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì đất nước hùng mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Đó là một chân lý đã được khắc trên Bia Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội từ thế kỷ XV. Năm 1429, Vua Lê xuống chiếu cầu hiền khẳng định “đất nước thịnh trị tất ở việc cử hiền và người làm vua thiên hạ phải lo việc đó trước tiên”. Vua Quang Trung trong chiếu lập Nhà học nhấn mạnh “dựng nước lấy việc học làm đầu, muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”. Bác Hồ dạy “nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài”.

TS. Văn Tất Thu cho rằng, chúng ta chỉ có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế khi biết chăm lo vun trồng nguyên khí của quốc gia, biết phát hiện, đào tạo, trọng dụng và sử dụng đúng nhân tài.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam