CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH

Về việc đẩy mạnh phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh

Ngày 31-8-2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND về việc đẩy mạnh phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Báo Điện Tử Ninh Thuận (NTO) trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị này:

Trong thời gian qua các ngành, các cấp, các đơn vị, địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT, từng bước tạo chuyển biến rõ nét về TTATGT trên địa bàn tỉnh. Tai nạn giao thông (TNGT) năm sau có giảm so với năm trước; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT được các ngành, các cấp chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đặc biệt quan tâm, thường xuyên duy trì bằng nhiều hình thức; xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT được các ngành, các cấp quan tâm triển khai; công tác phối hợp chỉ đạo, triển khai lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm TTATGT của các lực lượng chức năng được duy trì thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về TTATGT; kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được quan tâm cải thiện, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT trên tuyến đường đang khai thác; tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ ở tất cả các tuyến đường trên địa bàn tỉnh; các ngành chức năng đã phối hợp kịp thời giải tỏa nhanh chóng các vụ ùn tắc giao thông cục bộ xảy ra trên địa bàn…

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2011, tình hình TTATGT diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tình hình TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2010 (số vụ tăng 7,69%, số người chết tăng 7,54%, số người bị thương tăng 40,67%). Theo báo cáo của cơ quan chức năng, nguyên nhân chính gây ra TNGT chủ yếu do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, vi phạm quy định về tốc độ, sử dụng rượu, bia quá nồng độ, vượt ẩu, lấn làn đường, tránh vượt sai quy định, vượt đèn đỏ, không có giấy phép lái xe theo quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô-tô, xe gắn máy…, bên cạnh đó, công tác chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; chậm khắc phục tồn tại, hạn chế đã được phản ánh; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tuy đã được đẩy mạnh nhưng cấp cơ sở và một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức, nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú nên chưa đến với người dân. Đặc biệt, phong trào thi đua bảo đảm TTATGT tuy được phát động nhưng chưa triển khai sâu rộng đến cơ sở, đến nhân dân, còn mang tính hình thức, chưa thực hiện tốt việc hướng dẫn về quy trình đăng ký thi đua và chưa triển khai tốt công tác tổng kết và nhân rộng phong trào nên hiệu quả chưa cao.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ phong trào thi đua, góp phần bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1/ Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, các đơn vị lực lượng vũ trang; chủ tịch UBND huyện, thành phố; chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; giám đốc các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và tổ chức liên quan có trách nhiệm:

a- Tổ chức quán triệt sâu kỹ và tổ chức thực hiện tốt nội dung Kế hoạch số 1067/KH-UBND ngày 24-3-2011 của UBND tỉnh về phát động thi đua bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015 trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học… và nhân dân trên địa bàn. Hằng năm tổ chức ký kết giao ước và đăng ký thực hiện tốt nội dung thi đua bảo đảm TTATGT giữa cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CBCCVC và LĐ) với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; giữa từng hộ gia đình và chính quyền địa phương nơi cư trú; giữa cơ quan, đơn vị, địa phương cấp dưới với cơ quan, đơn vị, địa phương cấp trên.

b- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn phụ trách, đảm bảo 100% (CBCCVC và LĐ) và ít nhất 70% người dân trên địa bàn được phổ biến pháp luật TTATGT.

c- Khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua bảo đảm TTATGT.

2/ Chủ tịch UBND và Trưởng Công an các huyện, thành phố chỉ đạo UBND và công an các xã, phường, thị trấn nắm chắc số lượng phương tiện giao thông và chủ từng phương tiện trên địa bàn từng thôn, khu phố (nhất là các loại xe mô-tô 2 bánh, xe gắn máy do các đối tượng thanh– thiếu niên quá khích, càn quấy sử dụng) để có biện pháp quản lý chặt chẽ ngay từ cơ sở, kịp thời có biện pháp giáo dục, răn đe, xử lý theo quy định pháp luật;

Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc đưa người vi phạm pháp luật TTATGT ra kiểm điểm trước nhân dân nơi cư trú khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

3/ Sở Thông tin và Truyền thông.

a- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên ngành của các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị thông tin tuyên truyền (Báo, Đài) tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch số 1067/KH-UBND ngày 24-3-2011 của UBND tỉnh và nội dung chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn phổ biến phong trào thi đua bảo đảm TTATGT của tỉnh, của huyện, thành phố đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn quản lý; thường xuyên đăng tải thông tin gương điển hình của tập thể, cá nhân tích cực thực hiện tốt công tác bảo đảm TTATGT, đồng thời đấu tranh phê phán hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT.

4/ Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh lựa chọn các đơn vị, địa phương điển hình về phát động và thực hiện tốt phong trào thi đua đảm bảo TTATGT nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua trong toàn tỉnh.

5/ Ngành Giáo dục và Đào tạo.

a- Tổ chức phát động sâu rộng phong trào thi đua bảo đảm TTATGT cùng với phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các trường học, cơ sở đào tạo;

b- Tiếp tục thực hiện đưa nội dung giảng dạy pháp luật TTATGT trong trường học theo quy định của Bộ GD-ĐT. Phối hợp với lực lượng công an tổ chức nói chuyện pháp luật về TTATGT ngay từ đầu năm học.

6/ Ban An toàn giao thông tỉnh.

a- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Nội vụ (Ban Thi đua-Khen thưởng) nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa nội dung thi đua bảo đảm TTATGT thành các tiêu chí thi đua và thông báo đến các cơ quan, đơn vị, địa phương để phục vụ việc đăng ký thi đua phù hợp với từng đối tượng: CBCCVC và LĐ trong cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp, học sinh, sinh viên;

b- Tổ chức hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, UBND và Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố sơ, tổng kết phong trào thi đua về công tác bảo đảm TTATGT; tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh khen thưởng kịp thời tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và thực hiện Chỉ thị này trên địa bàn tỉnh.

c- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Thi đua-Khen thưởng) giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh.

7/ Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải.

a- Phối hợp Ban ATGT tỉnh tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa nội dung thi đua bảo đảm TTATGT thành các tiêu chí thi đua và thông báo đến các cơ quan, đơn vị, địa phương để phục vụ việc đăng ký thi đua phù hợp với từng đối tượng trên địa bàn tỉnh.

b- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát nhân dân và Thanh tra giao thông xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT, tăng cường công tác tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT theo Kế hoạch 278/KH-UBND ngày 20-1-2011 của UBND tỉnh và Thông báo số 1288/TB-VPUB ngày 01-8-2011 của Văn phòng UBND tỉnh.

8/ Đề nghị các tổ chức Đảng, Mặt trận, hội, đoàn thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT trong tổ chức mình, cùng phát động và tổ chức đăng ký thực hiện tốt phong trào thi đua bảo đảm TTATGT gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, triển khai nhân rộng mô hình tự quản về TTATGT tại cơ sở; khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua bảo đảm TTATGT; tham gia kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua và nội dung Chỉ thị này.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, các đơn vị lực lượng vũ trang; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; giám đốc các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và đơn vị liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh theo nội dung chỉ thị đã ban hành. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Ban ATGT tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để giải quyết.