KỶ NIỆM 66 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH TƯ PHÁP (28/8/1945 - 28/8/2011)

Ngành Tư pháp Ninh Thuận tiếp tục giữ vững phương châm “Đoàn kết - Thủ pháp; Đổi mới - Phụng công”

Phát huy thành tích năm 2010, Sở Tư pháp được Bộ Tư pháp trao tặng Cờ thi đua xuất sắc và UBND tỉnh trao cờ lưu niệm “Đoàn kết – Thủ pháp; Đổi mới-Phụng công”, trong năm 2011, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp Ninh Thuận tiếp tục vươn lên, lập thành tích thiết thực chào mừng 66 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam.

Ông Phạm Văn A
Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp

(NTO) Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp; Kế hoạch triển khai thực hiện của UBND tỉnh và Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy Sở Tư pháp được xem như là “cẩm nang” trong công tác xây dựng ngành và thực tế đã tạo nên những chuyển biến mới mang tính đột phá góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu công tác trong năm 2011. Nổi bật nhất là cán bộ, công chức Sở Tư pháp đã tập trung giúp UBND tỉnh rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; thực hiện Quyết định 862/QĐ-BTP ngày 31-5-2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 401/QĐ-UBND ngày 15-8-2011 phê duyệt Đề án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện, công tác tư pháp cấp xã, công tác pháp chế của các sở, ban, ngành và kế hoạch rà soát cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp năm 2011.

Cùng với những nỗ lực trong việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, tổ chức pháp chế cấp tỉnh, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, các tổ hòa giải, các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cấp huyện và cấp xã… việc triển khai Chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp bước đầu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện nội dung “Đoàn kết - thủ pháp”. Đoàn kết trên cơ sở tuân theo sự lãnh đạo của Đảng; đoàn kết là tôn trọng những nguyên tắc trong xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đoàn kết là để bảo đảm giữ vững trật tự kỷ cương, góp phần hoàn chỉnh thể chế chính trị và bảo đảm cho những thể chế đó đi vào cuộc sống dân chủ, công bằng …

Không ngừng phát động phong trào thi đua với những sáng kiến cải tiến để nâng cao hiệu quả công tác tư pháp tại địa phương là nội dung trọng tâm để thực hiện “Đổi mới - phụng công”. Ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp đã tập trung phối hợp với các ngành hữu quan xây dựng, trình Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức pháp chế; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức pháp chế là một yêu cầu cấp thiết và thường xuyên để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại địa phương. Chỉ thị của Tỉnh ủy được ban hành cùng với sự ra đời của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế là một bước ngoặt rất quan trọng để Sở Tư pháp cùng với Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai việc củng cố tổ chức pháp chế chuyên trách của các sở, ngành và đưa công tác tổ chức pháp chế tại địa phương dần đi vào nề nếp, thiết thực phục vụ các nhiệm vụ chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Cùng với việc tăng cường công tác tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp đang tiếp tục triển khai những hoạt động kiểm tra để đánh giá việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thực hiện chính sách đầu tư và quản lý đất đai tại địa phương.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở là tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Hòa giải ở cơ sở. Đối với tỉnh Ninh Thuận, quá trình thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở là một quá trình gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện hương ước, quy ước để thực hiện cuộc sống mới ở nông thôn, trong cộng đồng dân cư. Đồng thời là quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch liên tịch số 177/KHLT giữa Sở Tư pháp với Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân tỉnh về tăng cường giải quyết khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, có 359/395 thôn có tổ hòa giải và trong những năm qua số vụ hòa giải thành luôn đạt trên 70% vụ việc thụ lý; điều ghi nhận là những vụ việc hòa giải thành đã góp phần rất quan trọng trong việc gìn giữ, củng cố, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc; bảo đảm an ninh nông thôn.

Những kết quả đạt được trong lĩnh vực tổ chức pháp chế và hòa giải ở cơ sở là những nội dung mà ngành Tư pháp Ninh Thuận đã thực hiện mạnh mẽ những sáng kiến cải tiến để “đổi mới” các phương thức nghiệp vụ nhằm “phụng công” thiết thực, hiệu quả hơn…

Với tinh thần “tăng cường đoàn kết, siết chặt kỷ cương, hướng về cơ sở” ngành Tư pháp Ninh Thuận đã giữ vững ngọn cờ “Đoàn kết - thủ pháp; Đổi mới - phụng công” và thực tế đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong xây dựng ngành vững mạnh, phục vụ các nhiệm vụ chính trị địa phương. Tuy nhiên, so với yêu cầu công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại địa phương; cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp tỉnh Ninh Thuận cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, trau dồi đạo đức, phẩm chất để phục vụ tốt hơn sự nghiệp phát triển tỉnh nhà và thực sự xứng đáng với niềm tin yêu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân đối với hệ thống cơ quan tư pháp.